Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế rừng

Quỳnh Trâm - 11:08, 15/01/2020

Tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, phát triển kinh tế rừng đã trở thành một hướng đi thoát nghèo bền vững, được chính quyền các địa phương chú trọng và Nhân dân hưởng ứng. Chính vì vậy, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng đang được các địa phương tích cực triển khai.

Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa sau khi được hỗ trợ trồng rừng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo
Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa sau khi được hỗ trợ trồng rừng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết: Từ các chương trình, dự án trồng rừng gồm, dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng do Chương trình 30a cấp vốn; dự án trồng rừng thay thế do Quỹ rừng đồng bằng tài trợ vốn và Quyết định 147/2007/QĐ-TTg hỗ trợ người dân trồng rừng... đến nay trên địa bàn có 10 đơn vị, nhiều hộ gia đình thực hiện các dự án trồng rừng. Nhiều hộ dân sau khi được hỗ trợ, đã xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn đã nâng cao thu nhập và thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Điển hình như gia đình chị Hà Thị Nga (dân tộc Thái), trú tại bản Cân, xã Tam Chung. Chị Nga chia sẻ: “Năm 2015, tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống, sau đó, thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng các giống cây xoan, vầu, keo và bò, gà, lợn. Từ hộ nghèo, hiện tại với thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm, gia đình tôi đã ra khỏi hộ nghèo và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác tại địa phương”.

Năm 2014, được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát đến tư vấn, anh Lước Văn Thúc, trú bản Cân, xã Tam Chung đã đăng ký và được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua giống cây, phân bón trồng rừng. Ngay sau đó, anh bắt tay thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng các loại cây như keo, xoan, kết hợp chăn nuôi. Tới nay, gia trại của anh đã mở rộng lên 5ha, bao gồm 4ha trồng cây xoan, keo và 1ha trồng sắn, ngô, 7 con trâu và 1ha ruộng trồng lúa. Nhờ thu nhập từ gia trại, gia đình anh đã thoát nghèo.

Huyện Như Xuân cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển kinh tế rừng. Năm 2004, ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Vân Tiến, xã Cát Vân được Hội Nông dân huyện Như Xuân tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Theo đó, ông Tuấn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và sử dụng 5ha đất đồi để phát triển kinh tế rừng với cây keo, cao su, luồng. Tiếp đó, ông đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi các giống bò sinh sản, lợn, dê, trồng thêm một số loại cây ăn quả như thanh long, cam, bưởi, nhãn để nâng cao nguồn thu.

Đến nay, trang trại của ông Tuấn đã mở rộng lên 60ha, gồm 3ha thanh long, 5 ao cá, 10 con bò, 4ha diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, chuối, mía và gần 40ha trồng các loại cây lâm nghiệp như cao su, lát, keo, luồng. Thu nhập của gia đình ông Tuấn vào khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2013 - 2018, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 40 vạn hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó 235.217 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Hiện đã có 15.817 lượt hộ nông dân thoát nghèo. Thời gian qua, Hội đã vận động được 45 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân với 2.488 hội viên nông dân vay vốn, nhờ đó, nhiều nông dân miền núi đã vươn lên thoát nghèo, trong đó có không ít hộ khá giả.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.