Lợi ích kép
Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 647 056ha, trong đó, diện tích đất có rừng gần 598 nghìn 574ha. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha rừng gỗ trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, phần lớn là rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn (từ 5-7 năm), sản phẩm gỗ chủ yếu để làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ nên năng suất và chất lượng rừng trồng thấp, trung bình chỉ đạt 10-12m3/ha/năm, lợi nhuận bình quân/năm đạt rất thấp (từ 7-9 triệu đồng/ha/năm).
Trước thực tế này, Thanh Hóa đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, hình thành và phát triển ổn định 56.000ha rừng kinh doanh gỗ lớn với các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, lát hoa, sao đen,... tại các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân, Cẩm Thủy...
Gia đình ông Quách Văn Minh ở thôn An Tâm, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã gắn bó với nghề trồng rừng hơn 20 năm nay, nhưng chủ yếu trồng rừng gỗ nhỏ, ngắn ngày. Gần đây, với sự khuyến khích của chính quyền địa phương, gia đình ông đang chuyển đổi sang mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Ông Minh cho biết: “Gia đình đã chuyển đổi 1,2ha đất trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn. Được cơ quan chức năng hỗ trợ 6 tạ phân NPK, chúng tôi bón phân và chăm sóc, bước đầu thấy diện tích rừng tăng trưởng tốt. Để có thu nhập, hằng năm, gia đình tiến hành tỉa thưa các cây keo để bán, trung bình mỗi năm cũng được 12 triệu đồng. 1ha keo trong một chu kỳ khai thác sẽ có 10 lần tỉa thưa. Như vậy, hiệu quả của việc trồng cây gỗ lớn cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng cây gỗ nhỏ”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cho biết: Hiện, nhu cầu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên trong huyện ngày càng bị khan hiếm. Thời gian qua, huyện đã tích cực chỉ đạo các xã có tiềm năng thực hiện trồng cây gỗ lớn và chuyển đổi diện tích rừng trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn. Đến nay, toàn huyện đã trồng, chuyển đổi được gần 200ha.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp
Tại huyện Như Thanh, đến nay đã trồng được gần 1.200ha rừng gỗ lớn và trong năm 2019, phấn đấu trồng thêm 500ha. Địa phương đã quy hoạch các vùng có tiềm năng, chỉ đạo các xã vận động các gia đình có diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương chuyển đất nghèo kiệt sang trồng cây gỗ lớn.
Tương tự đến nay, toàn huyện Như Xuân cũng đã trồng mới được 4.145ha rừng, trong đó có 722,5ha là rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây keo lai được trồng tập trung ở xã Thanh Sơn, Thanh Xuân, Xuân Hòa, Thượng Ninh..; Dự kiến mỗi năm, tiếp tục trồng mới 800-1.000ha rừng, trong đó có trên 50ha rừng gỗ lớn/năm, phấn đấu đến năm 2025 có 1.600ha rừng gỗ lớn.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng địa phương, để phát triển mô hình này trên quy mô lớn cũng gặp không ít khó khăn như: Chu kỳ kinh doanh rừng dài, vốn đầu tư lớn nên chỉ những hộ đủ vốn và có diện tích lớn mới có điều kiện trồng rừng gỗ lớn. Những hộ nghèo, có ít đất khó có thể đáp ứng. Không những thế, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn của nhiều hộ dân còn hạn chế; chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, do đó chưa thu hút được nhiều hộ trồng rừng tham gia.
Do đó, thực hiện hiệu quả mô hình này, cần triển khai rất nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; giúp người dân tiếp cận vốn, khoa học-kỹ thuật, thị trường… để bà con yên tâm sản xuất khi gắn bó với mô hình mới này. Người dân cũng cần chủ động linh hoạt trong sản xuất để có thu nhập ngay trên diện tích rừng gỗ lớn trong thời gian dài chờ đến ngày thu hoạch.
QUỲNH CHI