Trước đây, người dân xã Cư Króa chỉ trồng ngô, đậu một vụ vì phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất thấp. Giá cả các loại nông sản này thường xuyên rơi vào tình trạng bấp bênh, khiến cho cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2007, Đảng ủy, chính quyền địa phương xã Cư Króa đã tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ông Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa cho biết: Do người dân đã quen làm nông nghiệp nên không mấy quan tâm đến trồng rừng. Để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân. Mỗi năm thực hiện từ 2-3 lớp, với hàng trăm người tham gia. Xã cũng chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrăk cử cán bộ hướng dẫn cách quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng, phòng trừ sâu bệnh, triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống cháy rừng... Dần dần hình thành ý thức trong Nhân dân trồng rừng là nghề kinh tế, sống được với rừng, làm giàu nhờ rừng.
Điển hình là gia đình bà Ngô Thị Vân ở thôn 2, đi đầu trong việc trồng rừng và giàu lên nhờ rừng. Bà Vân cho biết: cả chục năm nay, gia đình tôi duy trì ổn định 40ha keo lai. Diện tích cây trồng lớn nên gia đình thuê thêm 10 lao động là người địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm thu hoạch 10ha với giá keo dao động từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Nhờ trồng rừng gia đình bà Vân đã có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang, mua ô tô và các vật dụng đắt tiền. “Tôi đã sinh sống ở đây nhiều năm, đã thử trồng nhiều loại cây nhưng chỉ có cây keo là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Keo là loại cây rừng dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 4 năm, chỉ mất chi phí đầu tư giống, công chăm sóc chẳng đáng là bao nên giá trị kinh tế cao”, bà Vân cho hay.
Theo thống kê, trong số 975 hộ dân của xã, thì có đến 75% số hộ trồng keo. Hiện nay, cây keo lai trở thành cây trồng chủ lực, với diện tích 2.000ha. Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn đã được phủ xanh, không còn đất trống, đồi trọc, độ che phủ rừng đạt trên 100% kế hoạch.
Ngoài việc khuyến khích người dân trồng rừng, xã Cư Króa cũng động viên các hộ dân ít đất sản xuất nhận khoán trồng rừng để tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Nhiều hộ đồng bào DTTS nhờ nhận khoán rừng mà cuộc sống ổn định.
Điển hình như gia đình anh Y Khương Byă ở thôn 2. 6 năm trước, gia đình anh nhận khoán 3ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrăk. Anh Y Khương cho biết: Công ty đầu tư 100% chi phí từ giống, phân bón mình chỉ chăm sóc, trông coi và khi thu hoạch sẽ được nhận 10% lợi nhuận từ diện tích rừng đó. Ngoài ra, khi tham gia trồng rừng hay thu hoạch cây, Công ty còn trả lương 200.000 đồng/ngày công. Do rừng nhận khoán ở gần nhà nên việc trông coi rừng khá thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc sản xuất các cây trồng, vật nuôi khác mà còn có thêm nguồn thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Króa phấn khởi thông tin, với chủ trương phát triển kinh tế rừng trồng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân mà còn tạo những hiệu ứng tích cực về môi trường. Nhờ kinh tế rừng, nhiều hộ gia đình ở xã Cư Króa có cuộc sống khá giả, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Từ một xã nghèo, nay thu nhập bình quân toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3,5%.
LÊ HƯỜNG