Chị Hà Lan Hương, dân tộc Thái, xóm Bin, xã Từ Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, là người trồng rừng lâu năm tại địa phương nhớ lại trước đây, gia đình chị cũng như bao hộ dân trồng rừng khác đều, không quan tâm đến kỹ thuật trồng rừng. Những lần thu hoạch, cây kém chất lượng, năng suất thấp, thường xuyên bị thương lái ép giá, giá bán không tương xứng với công sức người trồng khiến gia đình chị không khỏi chán nản, muốn tìm hướng đi mới.
Kể từ năm 2013, qua tìm hiểu nhiều kênh thông tin, tham dự những lớp tâp huấn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức. Kể từ đó, chị Hương đã biết đến rừng trồng “chuẩn”, được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Đây là chứng chỉ chứng nhận bảo vệ rừng dùng cho các nhà quản lý rừng, hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng, đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).
Được hỗ trợ giống cây (loại keo lai BV10, BV16, BV32), kỹ thuật trồng, chăm sóc từng giai đoạn, quy trình quản lý và phân bón, sau hơn 7 năm trồng và chăm sóc, đến nay gia đình chị cùng bà con trong xóm đã được hưởng lợi những cánh rừng chuẩn đầu tiên. “Năm vừa qua, gia đình tôi thu hoạch sớm được hơn 3ha, bán được gần 600 triệu đồng và hiện còn gần 5ha chờ thu hoạch, cây thu hoạch đều được các công ty chế biến gỗ thu mua với giá cao, sau khi thu hoạch gia đình đã thực hiện trồng mới diện tích đất trống”, chị Hương chia sẻ.
Trồng rừng không khó, nhưng trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC lại không phải là dễ, bởi lẽ vấn đề cốt lõi lại nằm ở ý thức của mỗi người dân tham gia trồng rừng. Người trồng rừng tiêu chuẩn phải tuân thủ những nguyên tắc như: Diện tích trồng rừng, nguồn nhân lực chăm sóc, kỹ thuật, và thời gian tối thiểu thu hoạch từ 8-10 năm, thay vì 5-6 năm như trước kia... Nhưng bù lại, với mỗi ha rừng theo tiêu chuẩn FSC, sẽ cho thu hoạch với giá 180-190 triệu đồng, gấp 2-2,5 lần giá rừng trồng trước đây.
Anh Trần Minh Long, người dân xóm Bin cho biết: “Từ ngày người dân tham gia vào trồng rừng để làm kinh tế, không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi nữa, những hộ gia đình nào không đủ điều kiện trồng rừng thi đến làm việc tại các công ty sản xuất lâm nghiệp. Ai ai trong xã cũng có công ăn việc làm cả”.
Tính riêng năm 2018, tỉnh Hòa Bình có hơn 8 triệu cây được ươm mới để phục vụ công tác trồng rừng, làm kinh tế, cung cấp nguồn nguyên liệu cho những đơn vị chế xuất các sản phẩm từ gỗ. Nhận thức trong việc trồng rừng, bảo vệ, chăm sóc rừng đã tăng cao, khi giữ gìn tài nguyên rừng đã thực sự trở thành lợi ích của người dân. Năm 2018, ngành lâm nghiệp tỉnh đã củng cố hơn 1.800 tổ, đội quần chúng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng với trên 11.200 người tham gia, tổ chức tuyên truyền tới gần 27.000 lượt người (tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm 2017) góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng.
NGHĨA HIỆP