Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết, tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 722 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng trồng 43.692ha. Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 677,6 nghìn ha, gồm: trên 227.813ha rừng đặc dụng; 79.960ha rừng phòng hộ; 369.874ha rừng sản xuất. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã trồng được hơn 2.958ha, đạt 229% so với kế hoạch, trong đó trồng rừng sản xuất gần 2.932ha, chủ yếu thuộc các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình. Các đơn vị chủ rừng đã phát huy được tính chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực của đơn vị, địa phương nhằm khai thác tốt tiềm năng rừng, đất rừng được giao.
Bên cạnh việc phát triển nghề trồng rừng, các nghề phụ cận cũng đang ngày càng phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 172 đơn vị hoạt động chế biến lâm sản và sản xuất đồ mộc (gồm 68 doanh nghiệp, 6 HTX, 98 hộ kinh doanh cá thể), với quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Các sản phẩm chế biến gỗ của Đăk Lăk gồm: gỗ xẻ các loại, mộc dân dụng, gỗ tinh chế, gỗ dăm, ván nhân tạo. Năm 2018, sản phẩm chế biến từ gỗ có chiều hướng tăng nhẹ (từ 13-25% tùy loại gỗ), riêng sản phẩm mộc dân dụng giảm nhẹ.
Một trong những thuận lợi trong phát triển nghề rừng là số lao động phổ thông tương đối lớn. Người DTTS đã quen sống với rừng nên có nhiều kinh nghiệm hay có thể áp dụng trong thực tiễn để trồng rừng cũng như trong chế biến gỗ.
Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển nghề rừng, thế nhưng trên thực tế, người DTTS ở đây chưa được hưởng lợi tương xứng. Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết, việc phát triển rừng trồng hiện tại đang gặp nhiều vướng mắc về các quy định, cơ chế, chính sách. Đơn cử, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách đầu tư trong trồng rừng sản xuất mức hỗ trợ từ 8 triệu đồng/ha đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) và mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng/ha đối với các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi). Nhưng thực tế đến nay, nguồn vốn này chưa được bố trí, hiện việc triển khai thực hiện công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng vốn tự có của các người dân và các đơn vị.
Mặt khác, với định mức hỗ trợ vốn ngân sách như trên, không đủ chi phí để triển khai thực hiện trồng rừng có hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ và giá gỗ rừng trồng thiếu ổn định cũng là yếu tố hạn chế trong việc khuyến khích người dân, các nhà đầu tư trồng rừng...
Ông Vũ Văn Đông kiến nghị, để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh Đăk Lăk mong muốn Trung ương sớm bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 cho địa phương. Cụ thể, tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn từ 8 triệu đồng/ha lên 12-15 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng/ha lên 10 triệu đồng/ha. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích đối với các nghề phụ cận rừng.
KHÁNH BÌNH