Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tác hại kép từ tấm lợp Fibro xi măng

Hoài Dương - 18:15, 08/05/2020

Chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 22 - 23/4) mưa đá kèm dông lốc tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… đã có hơn 10.000 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Trong đó, hơn 95% mái nhà được lợp bằng Fibro xi măng, (loại vật liệu được sản xuất từ nguyên liệu có amiăng trắng) đã được nhiều nước ngừng sản xuất do không bảo đảm an toàn, thậm chí nguy hại cho sức khỏe.

Tấm lợp Fibro xi măng lâu nay vẫn được đồng bào vùng cao sử dụng nhiều. Ảnh minh họa
Tấm lợp Fibro xi măng lâu nay vẫn được đồng bào vùng cao sử dụng nhiều. Ảnh minh họa

Nhà hỏng sau những trận mưa đá

Ông Phàn Chỉn Phủ A, ở bản Tả Phìn, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), một trong các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa đá kèm dông lốc xảy ra trên địa bàn vào tháng 3, tháng 4 vừa qua. Toàn bộ mái lợp bằng Fibro xi măng của gia đình ông đã bị vỡ, thủng. Hiện ông đang tiếp tục sử dụng tấm lợp Fibro xi măng để lợp lại mái nhà. 

“Đây là tấm lợp rẻ nhất để chúng tôi sử dụng. Có thể sẽ bị hỏng nữa nếu tiếp tục có những trận mưa đá như thế này. Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, không có tiền để mua các loại vật liệu khác, bởi giá thành rất cao”, ông Phàn Chỉn Phủ A cho biết. 

Do giá thành rẻ, tiện lợi khi sử dụng, nên nhiều hộ dân vẫn bất chấp những tác hại về sức khỏe tiếp tục sử dụng tấm lợp Fibro xi măng để lợp mái nhà sau thiệt hại. Thậm chí nhiều người cũng chưa từng nghe nói đến việc trong tấm lợp Fibro xi măng có chứa chất amiăng trắng, là thủ phạm gây nên các bệnh ung thư. Khi chúng tôi hỏi về tác hại của tấm lợp Fibro xi măng, ông Phàn Chỉn Phủ A cũng chỉ ngẩn người và lắc đầu. 

Trao đổi với ông Tẩn Chỉn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho cho biết: “Xã có 9 bản, 648 hộ thì có gần 500 hộ dân sử dụng những tấm lợp Fibro xi măng để lợp mái nhà. Trong trận mưa đá vừa qua, xã có khoảng 300 hộ bị hỏng mái hoàn toàn do sử dụng Fibro xi măng. Các nhà còn lại không bị thiệt hại hoặc thiệt hại ít là những nhà lợp mái bằng tôn”. 

Không chỉ có xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) bị thiệt hại nặng nề trong trận mưa đá vừa qua, mà tại tỉnh Điện Biên cũng có 1.582 nhà bị thủng, tốc mái. Trong đó, tại 7 bản thuộc xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) và 3 xã thuộc huyện Mường Nhé có 680 nhà bị thủng mái; tại các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa có 902 nhà bị thủng và tốc mái. Theo đó, có 147 nhà bị hư hỏng trên 70%; 648 nhà hư hỏng 30 - 70%; 751 nhà hư hỏng dưới 30%. 

Thực tế cho thấy, những ngôi nhà bị hư hỏng từ 30% đến trên 70% là những mái nhà lợp bằng Fibro xi măng. Còn những nhà bị hư hỏng dưới 30% chủ yếu là những mái nhà lợp bằng tôn. Những thiệt hại này đã khiến cuộc sống của bà con đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. 

Cần đẩy nhanh lộ trình thay thế

Theo thống kê của Viện Công nghệ (Bộ Công Thương), cả nước vẫn còn 36 cơ sở sản xuất tấm lợp Fibro xi măng có chứa chất amiăng, với sản lượng khoảng 55,8 triệu m2/năm.

Phát biểu tại Hội thảo “Sự độc hại của amiăng trắng trong tấm lợp Fibro xi măng” diễn ra ngày 8/1 vừa qua, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng - chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, mỗi năm có hơn 100.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới phơi nhiễm amiăng và 1,5 triệu người phải sống chung với bệnh tật do amiăng gây ra. 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng và cứ thêm 1kg amiăng được sử dụng trên bình quân đầu người 1 năm thì số trường mắc ung thư tăng gấp 2,4 lần.

Trước nguy hại của amiăng, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ: “Từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiăng trong sản xuất tấm lợp”. Đặc biệt, ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. Tiếp đó, ngày 7/8/2018, Ủy ban Dân tộc có Quyết định 476/QĐ-UBDT phê duyệt về Kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS dừng sử dụng amiăng trắng.

Theo đó, các địa phương cũng đã vào cuộc trong công tác tuyên truyền cho người dân về những tác hại do loại vật liệu này gây ra. Tuy nhiên, vì lực lượng mỏng, công tác tuyên truyền không thường xuyên, địa bàn rộng nên hiện nay đại bộ phận người dân vẫn chưa nắm được những hậu quả của tấm lợp Fibro xi măng.

Để thực hiện hiệu quả việc dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất và sử dụng tấm lợp Fibro xi măng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những hậu quả, tác động tiêu cực khi sử dụng tấm lợp Fibro xi măng. Trong đó, đặc biệt cần là nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.