Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Sử dụng Amiăng trắng tại Việt Nam: Bài 2: Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để loại trừ

PV - 15:17, 13/08/2018

Như chúng tôi đã thông tin, amiăng trắng được khẳng định là rất có hại cho sức khỏe. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo không có ngưỡng an toàn cho việc tiếp xúc và cách tốt nhất để kiểm soát nguy cơ là cấm tất cả các loại amiăng. Vì vậy, cần những giải pháp hữu hiệu để loại trừ amiăng ra khỏi cộng đồng.

amiăng Cần sớm chấm dứt việc sử dụng vật liệu có chứa amiăng tại vùng DTTS và miền núi. Ảnh: minh họa

Thực tế cho thấy, tại vùng DTTS và miền núi, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng chủ yếu sử dụng vật liệu rẻ tiền, trong đó có liên quan đến tấm lợp firbroximăng. Việc chuyển đổi dây chuyền và thiết bị sản xuất tấm lợp theo hướng không sử dụng amiăng tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi, theo kịp xu thế chung của thế giới và khuyến nghị của WHO, ILO nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Trên thực tế, Việt Nam đã làm chủ công nghệ và đã tự sản xuất được các thiết bị dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng cách đây đã hơn một thập kỷ nên đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với những tấm lợp fibroximăng hiện đang ở trên mái nhà, mà chưa có điều kiện thay thế, người dân cần phải giữ gìn, không để bị vỡ nát. Nhưng khi cưa, cắt, khoan các tấm lợp thì phải có biện pháp bảo vệ, không cho bụi phát tán và phải sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp. Tuyệt đối không được đập vỡ vụn các tấm lợp đó để đúc gạch, rải đường hoặc sử dụng làm việc gì khác.

GS. TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Cần có chính sách ưu đãi về thuế trong lộ trình để nhập các nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không amiăng cho đến khi cấm hoàn toàn để khuyến khích họ áp dụng công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng; nâng thuế nhập khẩu amiăng và các sản phẩm chứa amiăng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát và giám sát các cơ sở sản xuất tấm lợp về môi trường lao động và sức khỏe người lao động. Tiếp tục cải tiến công nghệ, thiết bị để giảm giá thành thiết bị, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm không chứa amiăng. Hỗ trợ thông tin, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ…

Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó có giao cho Bộ Xây dựng: “Nghiên cứu, xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023” .

Phát biểu tại một Hội thảo về lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng khẳng định: Thời gian tới, Uỷ ban Dân tộc sẽ tăng cường chỉ đạo thông tin và tuyên truyền trong toàn hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc, Người có uy tín biết về tác hại của amiăng trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ làm nhà, sẽ khuyến cáo hạn chế tiến tới không sử dụng tấm lợp firbroximăng. Ủy ban Dân tộc kiến nghị thêm việc khuyến cáo sử dụng sản phẩm có chứa amiăng trong chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Đồng thời nhất trí với các bộ, ngành trong công tác tham gia trình Chính phủ các chính sách về việc cấm sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng.

Có thể thấy, loại bỏ chất độc hại amiăng khỏi đời sống, hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các vật liệu amiăng ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Lộ trình đã được bàn, chương trình hành động quốc gia đã có. Tuy nhiên, hiệu quả trong thực tiễn mới là quan trọng… Hy vọng, thời gian tới, cùng với việc triển khai các giải pháp của các ngành, các cấp sẽ thực hiện được những mục tiêu đặt ra.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.