Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển đổi sản xuất vật liệu thay thế Amiăng trắng: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

PV - 08:46, 02/05/2019

Nhiều năm nay, tác hại của amiăng các loại, trong đó có amiăng trắng đã được nhận diện và cảnh báo; chủ trương dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu, chủ yếu là sản xuất tấm lợp Fibro-Xi măng cũng đã được Chính phủ ban hành. Nhưng để loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất cũng như sử dụng tấm lợp Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng còn rất nhiều rào cản.

Tích tụ độc hại

Nậm Dân là một trong những thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Thôn có 68 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao), trong đó có 34 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Ở Nậm Dân, 68 nóc nhà đều sử dụng Fibro-Xi măng làm tấm lợp mái.

Theo ông Lý A Trình, Trưởng thôn Nậm Dân, hàng chục năm nay, các gia đình ở thôn đã “sống chung” với tấm lợp Fibro-Xi măng. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình 134, Chương trình 167, hộ nghèo trong thôn được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ để mua tấm lợp Fibro-Xi măng khi xây nhà mới, đáp ứng được yêu cầu “3 cứng” (nền, mái và tường nhà).

Tấm lợp Fibro-Xi măng vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều bản, làng vùng cao. (Ảnh tư liệu) Tấm lợp Fibro-Xi măng vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều bản, làng vùng cao. (Ảnh tư liệu)

“Bà con cũng chỉ biết mái nhà lợp bằng Fibro-Xi măng thì không thấm dột, chứ không hề biết tấm lợp này sẽ gây ra những tác hại như thế nào? Hơn nữa cấp trên hỗ trợ cái gì thì nhận cái đó thôi”, ông Trình cho biết.

Không chỉ riêng thôn Nậm Dân của xã Ca Thành mà trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, người dân sử dụng tấm lợp Fibro-Xi măng là khá phổ biến, rải rác khắp vùng miền trong tỉnh. Theo Ông Hoàng Văn Kỷ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết.

“Người dân thuộc hộ nghèo dùng tấm lợp Fibro-Xi măng nhiều hơn do giá thành rẻ. Hơn nữa tấm lợp Fibro-Xi măng dễ vận chuyển bằng sức người, do đó đồng bào sống trên các rẻo cao dùng lợp nhà rất phổ biến. Ngay cả chuồng trại gia súc cũng dùng tấm lợp Fibro-Xi măng”.

Theo ông Kỷ, những năm trước, đại đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng. Gần đây, thông qua truyền thông đại chúng, một bộ phận người dân đã biết được tác hại của tấm lợp Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng, hơn nữa điều kiện kinh tế đã được nâng lên nên đã chủ động thay thế tấm lợp khác. Nhưng số tấm lợp Fibro-Xi măng cũ không biết xử lý như thế nào.

“Có người thì xếp lại thành đống phơi mưa phơi nắng; có người lại tận dụng lợp chuồng trại; cũng có người đập nát ra rải nền đường để đi lại đỡ trơn trượt. Vì thế chất amiăng trắng trong các tấm lợp có điều kiện phát tán ra môi trường”, ông Kỷ chia sẻ.

Theo GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam), về mặt y học, dựa theo các công trình nghiên cứu độc lập khác nhau của các nhà khoa học thì amiăng trắng có trong các tấm lợp Fibro-Xi măng là một trong những chất gây ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư buồng trứng,...

“Đặc biệt, amiăng trắng là nguyên nhân duy nhất dẫn tới ung thư trung biểu mô. Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân nào khác gây ra loại ung thư này”, GS Trình nhấn mạnh.

Vướng trong quy định

Những tác hại của amiăng trắng có trong tấm lợp Fibro-Xi măng đã được giới khoa học quốc tế cũng như trong nước nhận diện và lên tiếng cảnh báo nhiều năm nay. Từ năm 2001, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo để hạn chế, tiến tới dừng sử dụng tấm lợp Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay việc cấm sản xuất tấm lợp có chứa amiăng trắng vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, với hàng triệu hộ đang sử dụng tấm lợp Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng, phần lớn là hộ đồng bào DTTS sinh sống ở miền núi, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, muốn thay thế bằng tấm lợp khác là không hề dễ dàng. Cùng với đó, việc tiêu hủy lượng lớn tấm lợp đã thay thế cũng đang là bài toán khó.

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): Để giảm thiểu lượng lớn amiăng trắng đang tích tụ ngày càng nhiều trong môi trường thì cần có những quy định cụ thể trong việc tháo dỡ, tiêu hủy tấm lợp Fibro-Xi măng cũ. Quan trọng hơn là phải đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của amiăng trắng để người dân hiểu sâu sắc, từ đó thay đổi hành vi sử dụng tấm lợp phù hợp.

Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại từ những tấm lợp Fibro-Xi măng có chứa amiăng trắng là hết sức cần thiết. Nhưng muốn thay thế tấm lợp khác thì phải có kinh phí; trong khi đó hầu hết những gia đình đang sử dụng tấm lợp Fibro-Xi măng hiện đều thuộc diện nghèo. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phải quan tâm nếu muốn loại bỏ mối nguy hại từ amiăng trắng.

Một vấn đề cũng cần phải lưu tâm là, muốn loại bỏ “cầu” thì tất yếu phải cấm nguồn “cung”. Nhưng đây vẫn đang là một “nút thắt”, dù đã có những chỉ đạo khá cụ thể của Chính phủ.

Cách đây 18 năm, trong Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có nêu rõ: “Từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiăng trong sản xuất tấm lợp”. Nhưng không hiểu sao, đến thời điểm này, việc sản xuất tấm lợp có chứa amiăng trắng vẫn không bị cấm. Theo thống kê của Viện Công nghệ (Bộ Công Thương), cả nước vẫn còn 36 cơ sở sản xuất tấm lợp Fibro-Xi măng, với sản lượng khoảng 55,8 triệu m2/năm (!). Đây rõ ràng là “nút thắt” cần phải gỡ ngay nếu muốn loại trừ chất độc hại amiăng trắng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.