Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam: Bài 1: Thực trạng đáng báo động

PV - 14:53, 07/08/2018

10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây là thực trạng báo động…

amiăng Tấm lợp fibroximăng được sử dụng khá phổ biến ở vùng đồng bào DTTS, miền núi. Ảnh: minh họa

Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibroximăng và được xem như một loại chất lợp rẻ, bền và dễ sản xuất, sử dụng. Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và đặc biệt là khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Sử dụng vật liệu có chứa amiăng đang tồn tại phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Để tìm hiểu thực trạng sử dụng vật liệu có chứa amiăng, đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm xã Minh Tiến, đây là một trong những xã còn nhiều khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa bàn sinh sống của các DTTS, như: Nùng, Tày, Dao, Mông. Trên con đường dải nhựa đã xuống cấp, hiển hiện trước mắt chúng tôi dọc hai bên đường là rất nhiều những ngôi nhà được lợp mái bằng tấm lợp fibrôximăng, ở dưới mái ngói là chậu, xô đã cũ kỹ, bạc màu dùng hứng nước mưa.

Khi chúng tôi nói chuyện với bà con về tính độc hại của amiăng, không khó để cảm nhận được sự lo sợ hiện lên trên từng nét mặt, nhưng rồi họ cũng trả lời, bất lực vì điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền để thay thế. Qua lời kể của một cán bộ xã thì xã Minh Tiến có trên 1.000 hộ thì có tới gần 50% số hộ vẫn sử dụng tấm lợp fibrôximăng.

Chia sẻ với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được lợp toàn bộ bằng tấm lợp fibrôximăng, ông Triệu Văn Thông, dân tộc Nùng, thôn Tân Thịnh cho biết: “Gia đình tôi lợp mái nhà bằng tấm fibrôximăng đến nay đã được 10 năm. Từ khi nghe tin trong sản phẩm này có chứa chất amiăng gây ung thư, chúng tôi không còn dám hứng nước mưa từ mái nhà để sử dụng nữa mà kéo nước từ nguồn về. Trước đây, tôi mua tấm lợp có giá 42.000 đồng/tấm, phù hợp với điều kiện gia đình tôi. Muốn chuyển đổi thay thế bằng tôn nhưng cũng phải thêm ít nhất 20 triệu đồng trở lên, mà kinh tế eo hẹp không cho phép”.

Cách đó không xa là nhà văn hóa xã, thay vì là nhà gỗ truyền thống, nhìn bề ngoài khang trang, sạch sẽ được xây dựng kiên cố, nhưng khi ngước nhìn lên trên, mái nhà cũng được lợp bởi tấm fibroximăng. Ông Hoàng Văn Hoan, thôn Tân Thịnh cho hay: Mặc dù, dân ai cũng biết tấm lợp fibroximăng có chứa chất gây ung thư nhưng nhà nghèo vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ”. Gia đình ông Thàng bên cạnh gia đình tôi toàn bộ căn nhà đều được sử dụng bằng tấm lợp fibroximăng. Khu vực nhà bếp thường xuyên có những mảnh vỡ rơi xuống, vào mùa mưa, nước mưa chảy xuống từ mái nhà một màu đen nghịt”.

“Mặc dù rất nhiều hộ dân biết amiăng gây nguy hại cho sức khỏe, nhưng vì giá thành rẻ, chỉ 36.000đồng-55.000đồng/tấm fibroximăng, phù hợp với túi tiền của dân nghèo, nên mọi người vẫn sử dụng”, ông Đặng Hải Quân, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng cho biết.

Thực trạng sử dụng phổ biến vật liệu có chứa chất amiăng ở Hữu Lũng cũng là thực trạng chung của nhiều vùng đồng bào DTTS tại Việt Nam. Đáng chú ý hơn, tại các vùng miền núi, bà con DTTS không chỉ sử dụng tấm lợp fibroximăng để lợp mái nhà, mái bếp, nhiều hộ còn hứng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt. Thực tế, bên cạnh việc thiếu thông tin về tấm lợp fibroximăng có chứa chất độc hại, tại nhiều bản làng vùng DTTS, phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì bà con cũng không có sự lựa chọn bởi thị trường các sản phẩm thay thế tấm lợp fibroximăng có giá thành tương đương không nhiều. Hơn thế, những sản phẩm thay thế như tôn lạnh và một số sản phẩm khác, giá cao hơn 30-40% so tấm lợp fibroximăng.

Có thể thấy, gánh nặng bệnh tật liên quan tới amiăng đối với người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đang là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm. Hơn lúc nào hết cần có những giải pháp loại trừ amiăng trắng ra khỏi cộng đồng

Các nghiên cứu đã chỉ ra, thế giới mỗi năm có hơn 107.000 người chết vì các bệnh ung thư có liên quan đến amiăng. Nhiều nước đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng và hiện chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới, với lượng nhập khẩu hằng năm 65.000-70.000 tấn. 80% trong số đó dùng để sản xuất khoảng 100 triệu m2 tấm lợp fibroximăng, má phanh, sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy cung cấp chủ yếu cho dân nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.

THANH HUYỀN - H.DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.