Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Sơn La: Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Trí Phương - 15:55, 04/09/2023

Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù tỷ lệ tảo hôn những năm gần đây có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 10,5% năm 2022.

Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh có gần 700 trường hợp tảo hôn, chiếm 10,5% số cặp vợ chồng. Riêng trong Quý I/2023, toàn tỉnh có 335 cặp tảo hôn, chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái. Các huyện có nhiều trường hợp tảo hôn gồm: Phù Yên 70 trường hợp; Bắc Yên 67 trường hợp; Mường La 48 trường hợp...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn như: Một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt.

Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đối tượng được tập trung truyền thông là các em học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn bản; đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản cũng sẽ tuyên truyền viên đắc lực để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn.