Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Miền Tây xứ Nghệ - Những chuyện buồn hôn nhân: Một gia đình hai đời… tảo hôn (Bài 1)

Thọ Đào - Nguyễn Thanh - 09:39, 21/03/2023

Trong những bản làng mờ sương nơi miền Tây xứ Nghệ, vẫn còn bao đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lấy vợ, lấy chồng; chưa kịp trưởng thành đã bước vào cuộc hôn nhân chóng vánh. Sau những trang sách còn dang dở, là lời ru buồn, là hệ lụy cho cả cộng đồng và xã hội trước một vấn nạn chưa có hồi kết.

Một góc bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Một góc bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Tôi không tin người đàn ông 34 tuổi đời, ngồi trước mặt mình lại sắp sửa “lên chức” khi cô con gái thứ hai vừa rời bản, làm vợ ở tuổi 13. Cuộc chuyện trò đầy ngậm ngùi và xót xa hơn khi chúng tôi được biết thêm, chính người đàn ông này cũng đã từng “làm chồng” khi vừa sang tuổi 16. Dưới một mái nhà, hai thế hệ, hai cuộc đời nhưng chung một số phận “tảo hôn” đầy nước mắt và đắng cay.

Ăn chưa no, đã lo làm… vợ

Một chiều tháng Ba, cái lạnh cuối mùa cùng cơn mưa rả rích làm cho miền biên viễn nhuốm một nỗi buồn miên man. Và Y Xì (sinh năm 2010) ngồi bên bậc cửa, nhìn xa xăm. Đôi mắt Y Xì không chỉ có nỗi buồn mà còn cả tiếc nuối và hối hận. Những 3 tuần rồi, Y Xì rời mảnh đất của xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) đến bản Buộc Mú (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) làm dâu, làm vợ một trai bản trong bao nỗi nhớ nhung về gia đình, bè bạn.

Với Y Xì bây giờ, thời gian là một khái niệm mơ hồ, khác xa so với những ngày em còn đi học. Những bảng đen, giấy trắng, thời khóa biểu, thầy cô, bè bạn… giờ chỉ còn là hoài niệm. “Em nhớ trường, nhớ bạn. Em muốn được về đi chơi, đi học như các bạn”, Và Y Xì thốt lên trong nước mắt khi ngồi đối diện với khách bên mái nhà sa mu truyền thống của người Mông.

Khuôn mặt Y Xì non choẹt. Chẳng ai có thể nghĩ em đã làm… vợ. Cách nay độ 3 tuần, Và Y Xì còn là cô học sinh lớp 7 Trường PTDT Bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Mỗi sáng, Y Xì còn cùng lũ bạn tung tăng đến trường, khăn quàng đỏ thắm trên vai; giờ chơi còn vui đùa cùng chúng bạn. Mà nay, Y Xì đã là… một cô dâu lòng trĩu nặng. Ước muốn được trở lại mái trường của Và Y Xì, hẳn cũng là ước muốn của nhiều cô dâu khác bằng độ tuổi em, nhưng đã quá muộn, khi những hủ tục vẫn còn đè nặng trong tư tưởng của cộng đồng dân tộc này trên vùng cao xứ Nghệ.

Khi được hỏi rằng: “Em lấy chồng là do bị bắt vợ hay em tự nguyện theo chồng”? Và Y Xì ngập ngừng kể: Ở nhà bố mẹ em và cả các thầy cô giáo đều khuyên không nên lấy vợ lấy chồng sớm, nhưng chẳng hiểu sao em và một số bạn vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên ấy.

Trường PTDT Bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn - nơi gần 1 tháng trước Và Y Xì còn theo học
Trường PTDT Bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn - nơi gần 1 tháng trước Và Y Xì còn theo học

Những ngày Tết Nguyên đán, trên khắp bản làng xuất hiện những bộ váy áo sặc sỡ của các chàng trai cô gái để bước vào hội ném pao, Và Y Xì cũng hòa vào dòng người ấy. “Trong hội, một thanh niên (chồng Y Xì bây giờ) hơn em 4 tuổi nhanh chóng bắt chuyện với em. Ngày hôm sau cũng thế, chúng em hẹn gặp nhau rồi thích nhau lúc nào chẳng biết. Thế là anh ấy bắt em về làm vợ. Em cũng vui vẻ đi theo anh ấy dù bố mẹ phản đối rất nhiều. Bây giờ em muốn về nhà cũng chẳng được rồi”, Và Y Xì ngậm ngùi.

Tuổi của Y Xì, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nay làm… vợ rồi, Y Xì phải bỏ học giữa chừng để theo gia đình nhà chồng lên nương rẫy kiếm cái ăn, cái mặc. Giữa cái lạnh của xã vùng biên Na Ngoi, cô bé 13 tuổi Và Y Xì ngồi thu mình như càng làm cho em trở nên nhỏ thó hơn, khiến chúng tôi thêm nhói buốt.

Không còn được cắp sách đến trường, ngày nào không lên rẫy thì ở nhà chăn con trâu, con bò rồi tập nấu ăn cho gia đình. Cứ tưởng lấy chồng cuộc sống sẽ được như mình mong muốn, nhưng thực sự không phải như vậy. Em cũng chưa biết cách kiếm tiền, nấu ăn cũng chưa thành thạo. Tất cả đều phụ thuộc vào bố mẹ chồng. Chắc một thời gian nữa chúng em cũng phải đi nơi khác làm thuê để tự lo liệu”, Y Xì bối rối tâm sự.

Chỉ sau 3 tuần lấy chồng, “tập làm người lớn”, những nét hồn nhiên, ngây thơ của cô học trò lớp 7 dường như đã biến mất; chỉ còn lại những lo toan, suy nghĩ về cơm, áo, gạo, tiền của một cuộc hôn nhân quá sớm.

Luẩn quẩn trong vòng… tảo hôn

Ở tuổi 34, nhưng vợ chồng anh Và Bá Nù (bố Và Y Xì) ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) đã có với nhau 3 mặt con. Đứa con lớn nay đang theo học lớp 9, đứa nhỏ học bậc Tiểu học trên địa bàn xã.

Một đám cưới đơn giản của nam nữ người Mông ở huyện Kỳ Sơn
Một đám cưới đơn giản của nam nữ người Mông ở huyện Kỳ Sơn

Và Bá Nù chào chúng tôi bằng ông. Có lẽ Nù thấy tóc chúng tôi điểm bạc. Nhưng, khi biết tuổi thật của chúng tôi chỉ nhỉnh hơn 6 - 7 tuổi thôi, thì cậu chàng cười đầy gượng gạo. Nụ cười của Nù, chúng tôi hiểu, là biết bao câu chuyện khó nói, khó chia sẻ.

Để xóa tan sự lúng túng ấy, chúng tôi hỏi: Nù kết hôn sớm thế à?

“16 tuổi lấy vợ rồi. Sau đó là chuỗi ngày đầy vất vả, cực nhọc”, Nù chia sẻ.

Ở chốn thâm sơn này, phong tục của người Mông là dựng vợ, gả chồng sớm. Một số người Mông còn có suy nghĩ rằng, nếu đủ 18 tuổi theo luật mới kết hôn thì được coi là… “ế”. Nhưng với Và Bá Nù, giờ đây anh thấm thía hơn ai hết câu chuyện lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Càng thấm thía, anh càng lo lắng, bất an cho những đứa con của mình, sợ chúng lại phải đi theo cuộc đời như bố nó.

Nhưng Và Bá Nù chẳng thể tránh được. Nỗi lo lớn nhất của ông bố 34 tuổi đã hiện hữu trước mặt, khi cô con gái thứ 2 - Và Y Xì “nối gót bố”, lấy chồng từ thuở 13.

Nù kể: Khi có người báo con gái (Và Y Xì) đã bị bắt làm vợ và theo chồng về Na Ngoi, mình rất sốc. Mình bàn với vợ viết đơn lên Công an xã để nhờ Công an can thiệp bằng pháp luật đưa con về, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Con mình nó thích người ta nó mới theo, bây giờ mình đưa ra pháp luật lỡ con nghĩ dại mà ăn lá ngón, thì mình hối hận cả đời. Vả lại, ở trong bản mình bao nhiêu trường hợp cũng lấy chồng, lấy vợ bằng tuổi nó bây giờ.

Một góc bản Liên Sơn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn - Nơi có những đại gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều... tảo hôn
Một góc bản Liên Sơn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn - Nơi có những đại gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều... tảo hôn

“Gạo đã nấu thành cơm”, Và Bá Nù giờ chỉ biết lo cho đứa con gái bé bỏng Và Y Xì. Ở nhà, Y Xì chỉ là một cô bé ngây thơ, ăn xong chỉ biết đến trường rồi về nhà. Những việc như nấu ăn, giặt giũ, lên nương rẫy đều chưa thành thạo. “Chẳng biết nó lấy chồng rồi nó có tự lo cho cuộc sống được không, hay suốt ngày chỉ chạy nhảy như lúc còn ở nhà”?, vợ Nù ngồi bên chồng buông lời trong nước mắt.

Vợ Nù bảo rằng, chị cũng là người lập gia đình sớm nhưng cũng chẳng phải ở độ tuổi như con mình bây giờ. Ngày ấy, nhà nghèo không được đến trường, suốt ngày phải quần quật trên nương rẫy nên việc lấy chồng sớm cũng chẳng ai bất ngờ. Vậy mà bây giờ con chị được học hành đầy đủ, cơm ăn áo mặc không thiếu mà vẫn theo bạn bè lập gia đình sớm.

Những hủ tục trong cộng đồng đang cắt đứt quãng đời hồn nhiên của bao đứa trẻ tuổi ăn, tuổi học. Rồi đây, những đứa trẻ ấy sẽ vượt qua những nỗi lo toan của cuộc sống gia đình ra sao? Cái vòng luẩn quẩn, kết hôn sớm, từ đời cha mẹ đến con cái, biết đến bao giờ mới thực sự kết thúc.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.