Cô gái dũng cảm bước qua hủ tục
Thực tế hiện nay, phần lớn các trường hợp tảo hôn đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Những trường hợp bị ép buộc thường rất ít. Câu chuyện về cô gái Lầu Y Là (22 tuổi) là ví dụ sống động của tinh thần dũng cảm chống lại hủ tục để đeo đuổi ước mơ.
Y Là hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học y khoa Vinh. Đó là cô gái có khuôn mặt thanh tú, nhanh nhẹn và học giỏi. Cách đây đúng 7 năm, nếu không dũng cảm và nhanh trí, chắc bây giờ em đã là vợ, là mẹ.
Nhắc lại chuyện này, Lầu Y Là vẫn chưa hết bàng hoàng. Em kể: Chiều tối một ngày đầu năm mới 2016, chú em, ông Lầu Bá Rê trú ở bản Liên Sơn có tổ chức lễ cúng và mời em sang dự. Đang băn khoăn vì phải đi bộ hơi xa mà em lại cần về sớm để kịp học bài thì hai thanh niên ở bản Na Cáng (xã Na Ngoi) lên tiếng: “Lên xe anh chở, đằng nào anh cũng về đường ấy luôn”.
Thế là Y Là lên xe của hai thanh niên vừa quen nhờ họ chở đi. Nhưng khi đã chở em qua khỏi nhà ông chú Lầu Bá Rê, họ vẫn không chịu dừng xe mặc cho em hết lời năn nỉ. Biết là mình sẽ bị bắt về làm vợ, Y Là rơi vào trạng thái hoảng loạn. Xe qua chừng mấy trăm mét, đến khu vực thác Nậm Càn do đường khó đi nên hai thanh niên chạy chậm lại, em nhanh trí nhảy xuống khỏi xe và ngã xuống đường. Mặc cho mặt và đầu gối bị chảy máu, giữa đêm tối, em kêu gào nhờ người giúp đỡ.
“Cũng may, lúc ấy có chú bộ đội Biên phòng đi ngang, em liền kể lại sự việc và được chú ấy giải thoát đưa trở về nhà”, Y Là kể lại.
Trò chuyện về chuyện của em Là, thầy Nguyễn Đức Phương, giáo viên Chủ nhiệm của em xác nhận: Sau vụ việc đó, em Là phải nghỉ học mất mấy ngày vừa để chăm sóc vết thương ở mặt và chân vừa để ổn định lại tinh thần. Chúng tôi cũng thường xuyên đến động viên để em tiếp tục theo đuổi con đường học tập.
Sau khi ổn định tinh thần, Lầu Y Là tiếp tục đến lớp, trở thành học sinh ở xã vùng cao đầu tiên đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; đồng thời thi đậu vào trường PTDT nội trú tỉnh với số điểm cao. Chia sẻ tới những bạn trẻ, Lầu Y Là nói: Con đường phía trước còn dài, chỉ có tuổi học trò là tuổi đẹp nhất, đừng nên bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm. Hãy theo đuổi con đường học tập để biến ước mơ của mình thành sự thật.
Lầu Y Là chỉ là một ví dụ. Nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ, đã và đang có những bạn trẻ bằng cách này hay cách khác vượt qua hủ tục bắt vợ, vượt qua những định kiến xã hội.
Tuy nhiên, ở miền Tây xứ Nghệ, những đám cưới được tổ chức chóng vánh, với hình ảnh cô dâu chú rể thì “vắt mũi chưa sạch”, chưa được pháp luật công nhận vì chưa đủ tuổi quy định. Ấy là câu chuyện buồn đang diễn ra và chưa biết khi nào kết thúc.
Cơ hội bị đánh cắp
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn hiện có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó, nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông như: Trường PTDTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em… Đáng chú ý, 57 em trong số này bỏ học để lấy vợ, lấy chồng.
57 em, 57 cuộc đời, 57 số phận nhưng hẳn là chung ước mơ được học hành đầy đủ, có việc làm để thoát khỏi cuộc sống khó khăn còn đeo đuổi nơi bản làng. Chỉ mới tính từ ra tết 2023 thôi đã những 57 em bỏ học lấy vợ, lấy chồng rồi. Một con số đầy nhói buốt.
Những học sinh nghỉ học lập gia đình, rất ít em được trở lại mái trường tiếp tục học tập. Đa phần các em phải chịu cảnh vất vả, khó nhọc của một cuộc hôn nhân chóng vánh và quá sớm. Điều đó cho thấy, cơ hội đổi đời, cơ hội để vượt lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn vất vả thực tại là điều không dễ dàng.
Còn với những em bỏ học đi làm khi chưa đủ tuổi, tiềm ẩn nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khi không có hợp đồng lao động; hoặc không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật khi ký kết hợp đồng lao động.
Ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết, từ tình trạng học sinh bỏ học có thể nhìn thấy vấn đề nhức nhối về lao động trẻ em và tảo hôn.
Bỏ học lập gia đình, đồng nghĩa với việc không được học hành đầy đủ. Những người trẻ đang đối mặt với tương lai mờ mịt, vất vả phía trước. Lập gia đình khi chưa đủ tuổi, là “trăm thứ” chưa đủ “giáng” xuống đôi vợ chồng trẻ: chưa đủ sức khỏe, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm… Chính những yếu tố này đang vô tình cướp mất cơ hội trước ngưỡng cửa cuộc đời của những người trẻ “ăn chưa no đã lo làm… vợ”.
Ai đánh cắp cơ hội của những người trẻ?! Chính bản thân những người trẻ, gia đình và định kiến của cộng đồng, là những tác nhân làm cho những người trẻ vuột mất cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đỡ vất vả hơn, được học hành đầy đủ và có nhận thức đúng đắn hơn… Đâu là giải pháp cho thực tế đáng buồn này?