Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Đầu tư có trọng điểm để giảm nghèo cho dân tộc Cờ Lao (Bài 7)

Cù Hương - Sỹ Hào - 16:10, 28/11/2023

Cờ Lao là một trong 5 dân tộc có khó khăn đặc thù (cùng với Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo) cư trú tập trung thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, diện mạo ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống đã thay đổi rõ nét; tuy nhiên, với đồng bào dân tộc Cờ Lao, nghèo đa chiều đang là một thách thức lớn.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao. (Trong ảnh: Các cô gái dân tộc Cờ Lao trong Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ngày 18/11/2023 tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao. (Trong ảnh: Các cô gái dân tộc Cờ Lao trong Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ngày 18/11/2023 tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Tỷ lệ nghèo cao

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT–XH) 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, dân tộc Cờ Lao ở nước ta có 1.092 hộ, với 4.003 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống ở nhiều vùng trên cả nước, trong đó: Trung du và miền núi phía Bắc có 3.277 người; Đồng bằng sông Hồng có 430 người; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 25 người; Tây Nguyên có 96 người; Đông Nam bộ có 179 người; Đồng bằng sông Cửu Long có 5 người.

Ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống tập trung tại tỉnh Hà Giang (chủ yếu ở các huyện: Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang). Số liệu được Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Đề án về tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao tổ chức trong tháng 4/2023 cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 527 hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao; trong đó có 492 hộ (với 2.363 nhân khẩu) sinh sống tập trung từ 5 hộ trở lên, còn lại là cư trú xen ghép.

Theo Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh, sau khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ nghèo của dân tộc Cờ Lao tăng mạnh. 

Cụ thể, hết năm 2022, tỉnh Hà Giang có 369 hộ nghèo và 111 hộ cận nghèo là người dân tộc Cờ Lao (toàn tỉnh có 189.615 hộ nghèo, tăng 1.632 hộ so với cuối năm 2021; có 94.727 hộ cận nghèo, giảm 8.889 hộ so với cuối năm 2021).

Trước đó, theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT–XH 53 DTTS năm 2019, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, dân tộc Cờ Lao có 323 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 29,6%), có 107 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,8%). Đây là tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của đồng bào dân tộc Cờ Lao trên cả nước.

Ở tỉnh Hà Giang, đối chiếu số liệu cho thấy, thực trạng nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc Cờ Lao vẫn là một thách thức rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, trong thực hiện chính sách đối với thành phần dân tộc rất ít người này. Toàn tỉnh có 527 hộ dân tộc Cờ Lao, thì có 369 hộ nghèo, kèm theo đó là 111 hộ cận nghèo. Vị chi, tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc Cờ Lao lên tới 91,08%.

Đại đa số lao động người dân tộc Cờ Lao làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đại đa số lao động người dân tộc Cờ Lao làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Xác định nguyên nhân nghèo

Cũng như nhiều DTTS rất ít người khác, thực trạng nghèo của dân tộc Cờ Lao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: cư trú ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, năng lực sản xuất còn hạn chế, lực lượng lao động chủ yếu chưa qua đào tạo,… Nhưng với đồng bào dân tộc Cờ Lao, ngoài những nguyên nhân trên còn có những khó khăn đặc thù, khiến cộng cuộc xóa đói giảm nghèo cứ trầy trật.

Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 đã phân tích khá cụ thể các nguyên nhân nghèo của các thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh. Với 8 nhóm nguyên nhân dẫn đến nghèo được UBND tỉnh Hà Giang đưa ra, thì có những chỉ số cần lưu ý trong quá trình thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT–XH dân tộc Cờ Lao. Đó là tình trạng thiếu/không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất kinh doanh, không có kiến thức và kỹ năng lao động sản xuất…

Những nguyên nhân này đã được chỉ ra cách đây hơn 4 năm, từ kết quả điều tra thu thập thông tin KT–XH 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 4/2019. Theo kết quả này, trong tổng số 1.092 hộ dân tộc Cờ Lao thì có tới 14,6% hộ không có đất sản xuất; có 6,8% hộ có đất sản xuất nhưng diện tích chỉ từ 0,08ha trở xuống; 3,0% hộ có từ 0,08ha đến dưới 0,15ha… Chăn nuôi cũng khó phát triển khi chỉ có 1,7% hộ có trâu; 1,5% hộ có bò; 2,5% hộ có nuôi lợn;…

Đồng bào dân tộc Cờ Lao gìn giữ những bản sắc truyền thống rất độc đáo. (Trong ảnh: Tiết mục hát mời rượu của dân tộc Cờ Lao trong Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ngày 18/11/2023 tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang ).
Đồng bào dân tộc Cờ Lao gìn giữ những bản sắc truyền thống rất độc đáo. (Trong ảnh: Tiết mục hát mời rượu của dân tộc Cờ Lao trong Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ngày 18/11/2023 tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang ).

Những năm qua, ngoài chính sách chung cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thì dân tộc Cờ Lao cũng đã được thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù để phát triển KT–XH. Trong đó, đáng chú ý là các chính sách được quy định trong Đề án “Phát triển KT-XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định số 1672/Đ-TTg ngày 26/9/2011; Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016.

Thực hiện các chính sách này, tại Hà Giang, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng 10 công trình với tổng kinh phí gần 51 tỷ đồng; gồm: 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình điện sinh hoạt, 1 công trình cấp nước, 4 công trình giao thông nông thôn. 

Đồng thời, bố trí kinh phí gần 19,4 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, kéo điện hộ gia đình, xây khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, đào tạo nghề, cấp tủ thuốc cho thôn, bản, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp máy thu thanh hộ gia đình, mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống; lắp đặt trạm truyền hình không dây, hỗ trợ bình đẳng giới…

Về tổng thể, với nguồn kinh phí không lớn nhưng lại bị phân tán để triển khai nhiều hoạt động nên chưa tạo được đột phá trong giảm nghèo cho dân tộc Cờ Lao. Đây là kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tỉnh Hà Giang thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; trước mắt là thực hiện Tiểu dụ án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT–XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. 

Tiểu dự án 1 có nhiều nội dung, do đó các địa phương cần có sự ưu tiên lựa chọn những hoạt động để giải quyết các vấn đề cấp bách dẫn tới tỷ lệ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc Cờ Lao.

Theo số liệu điều tra năm 2019, cùng với tỷ lệ nghèo đa chiều cao thì dân tộc Cờ Lao đang có nhiều chỉ số chất lượng cuộc sống thấp. Trong đó, dù 99,27% hộ có nhà ở nhưng tỷ lệ nhà ở đơn sơ, tạm bợ lên tới 34,9%; Không có vốn sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có 71 hộ có vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (chiếm 9,5% tổng số hộ); trong khi đại đa số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, với 95,2% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.