Ốc luộc
Ốc chế biến nói chung và ốc luộc nói riêng đã là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân không chỉ ở Hà Nội mà còn trên khắp cả nước. Đảo vài vòng qua các con ngõ nhỏ, các khu tập thể ở Hà Nội, ta có thể bắt gặp ở vỉa hè lớp lớp người từ trẻ đến già mê mẩn cái món ăn đơn giản nhưng không hề giản đơn này.
Khác với Sài Gòn, ốc Hà Nội không có các loại ốc xào hay ốc rang me. Ốc chuẩn vị Thủ đô bao gồm các loại ốc vặn, ốc đá hay ốc mít, mà thực khách hay gọi dân dã là "ốc to, ốc nhỏ", luộc với sả và lá chanh, ăn kèm nước mắm gừng và ớt, phải nhể ốc bằng gai bưởi hoặc miếng sắt tây tỉa nhọn.
Vào mùa Đông, đi qua bất kỳ ngõ nhỏ, phố nhỏ nào cũng có thể bắt gặp một hàng ốc ngon, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ nổi tiếng hơn như ốc Tống Duy Tân, ốc Cửa Bắc, ốc Lương Định Của...
Ốc luộc ngon bởi khi thưởng thức còn nóng hổi. Con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ăn vừa có độ giòn và dai chút ít.
Cái làm nên điểm đặc biệt nhất của các quán ốc luộc Hà Thành chính là bát nước chấm. Với mỗi hàng, mỗi tay nghề, người bán lại có gu pha chế riêng biệt, tạo nên cái danh của bao hàng ốc nổi tiếng ở đây.
Nhưng bát nước chấm ốc luộc gần như chỉ có những thành phần cơ bản: nước mắm nguyên chất pha thêm chút chanh và gừng, đập ít sả, thái nhỏ lá chanh và ớt tươi. Dặm mỗi thứ một chút, hoà thành cái vị nước chấm chua cay thanh dịu, chấm vào ai cũng xuýt xoa khen ngon!
Bánh đúc nóng
Đến Hà Nội vào mùa lạnh, không thể thiếu những khoảnh khắc thưởng thức bánh đúc nóng thật thi vị của đất Hà thành.
Người Hà Nội làm bánh đúc nóng rất ngon, có rất nhiều quán phục vụ bánh đúc nóng nức tiếng ở Thủ đô mà ai cũng biết như: Bánh đúc số 8 Lê Ngọc Hân, 296 Minh Khai, 106 Gốc Đề, Bánh đúc nóng Trung Tự,…
Nếu như bánh đúc truyền thống ở khu vực miền Bắc là bánh đúc làm xong để nguội, thưởng thức kèm với cá kho, thịt kho, mắm tôm, canh cua,…thì bánh đúc nóng lại rất khác, bởi nó được thưởng thức khi còn nóng hổi có nước chan và rau.
Quy trình làm bánh đúc nóng cũng bắt đầu bằng những bước cơ bản của những chiếc bánh đúc truyền thống từ khi chọn gạo, ra bột đến khi đúc bánh. Tuy nhiên, bánh đúc nóng Hà thành mềm hơn, dẻo hơn so với bánh truyền thống.
Để có cốt bánh mềm, dẻo, còn thơm mùi gạo mà không bị mùi vôi nồng như vẫn thường gặp ở bánh đúc truyền thống, người Hà Nội ta chọn gạo rất kỹ, ngâm gạo vừa đủ, xay bột ngay và đúc bánh dùng ngay không để cũ.
Ngoài chất lượng gạo, kỹ thuật xay bột, bánh đúc nóng Hà Nội ngon còn bởi nước chan dùng kèm.
Nước chan ăn kèm bánh có vị chua ngọt rất thanh, được pha chế khéo léo với bí quyết của người pha, nước chan vào bánh đúc nóng như tạo thêm thi vị đặc biệt cho bánh, góp phần làm cho bánh đúc nóng thêm ngon để nhớ còn có cả chút rau thơm, hành phi, mộc nhĩ và thịt nạc băm nhỏ được xào khá vừa ăn.
Bánh đúc nóng Hà Nội được xem như một sự sáng tạo mộc mạc nhưng khá phù hợp để làm vui lòng thực khách trong cái giá rét của mùa Đông miền Bắc. Người Hà Nội có một thói quen, cứ đến Đông về là bằng giá nào cũng phải thưởng thức bánh đúc nóng, và thói quen ấy lại trở thành sở thích của khách du lịch.
Bánh giò
Hà Nội có nhiều món ăn rất đỗi bình dân, giản dị mà lại vô cùng "được lòng" thực khách, bánh giò là một trong số đó.
Bữa sáng, bữa xế chiều, bữa tối - người Hà Nội có thể ăn bánh giò vào mọi thời điểm trong ngày mà không thấy chán. Một món ăn bình dân, giá cả bình dân, có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi góc phố, hàng rong, thế mà lại khiến cho những người con xa xứ cảm thấy nhớ nhung khôn nguôi.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, lớp vỏ lá bên ngoài khiến thực khách phải e dè vì trông... chẳng hấp dẫn chút nào. Nhưng mở chiếc bánh nỏng hổi, màu trắng của bột gạo hiện ra, xen lẫn phần nhân thịt nạc vai trộn với mộc nhĩ lấp ló ẩn hiện, thực khách sẽ cảm thấy sự hấp dẫn của món bánh giò.
Một chiếc bánh giò "chuẩn vị" được làm bằng bột gạo có pha chút bột nếp, nhân bánh giò là hỗn hợp của thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, tiêu, muối… Xúc một miếng, lớp vỏ bánh mềm tan ngay khi chạm vào đầu lưỡi, nhân thịt mộc nhĩ thơm lựng quyện với mùi tiêu xay thơm đánh thức mọi giác quan. Thêm chút dưa góp, tương ớt, đĩa bánh giò như hoàn hảo các sắc lẫn vị.
Cháo sườn
Nhắc tới cháo sườn, hẳn những người sống ở Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những chị, những cô quẩy gánh hàng rong mỗi buổi sớm mai hay khi xế chiều lẫn trong dòng người đông đúc.
Một bên gánh là nồi cháo sườn sóng sánh nghi ngút khói, một bên lỉnh kỉnh nào ghế, nào bát, đũa, những hộp hành khô, quẩy giòn. Bát cháo trắng mươn mướt, sánh lại như hồ, thơm phức, lấp ló vài miếng sườn hồng hồng, nhìn thôi đã ứa nước miếng, bụng réo cồn cào.
Món cháo sườn Hà thành có mùi thơm thanh khiết của gạo mới quyện với vị béo của sườn non, ngửi đã thấy hấp dẫn. Nếm một thìa cháo cứ thấy ngọt lừ trong cổ họng. Cái ngọt từ xương, từ thịt, từ gạo không có thứ bột ngọt nào sánh bằng. Người Hà Nội thường ăn cháo sườn kèm với quẩy. Một chút hạt tiêu thơm lừng, một nhúm hành lá cay cay nhẹ càng kích thích vị giác, ăn một thìa lại muốn ăn thêm vài ba thìa nữa. Người mệt lả vì ốm, vì thuốc kháng sinh, ấy thế mà bưng bát cháo sườn chị mua tôi ăn ngon lành như chưa hề thấy mệt.
Sườn không phải băm nhỏ mà người nấu để cả cục sườn to, dầy thịt, thế nhưng chỉ cần lấy thìa xắn nhẹ là miếng thịt đã rời ra khỏi xương, mềm ngọt. Phải nấu khéo lắm sườn mới mềm ngon như thế, vị cháo ngon ngọt cứ thấm dần để rồi nhớ mãi.
Phở
Phở là cái tên gắn liền với Hà Nội, không chỉ là món ăn đơn thuần, đó còn là nét đẹp và sự tinh tế của văn hóa ẩm thực trong mắt bạn bè thế giới. Vào bất kể mọi mùa chứ không riêng mùa Đông, ghé thăm Hà Nội và thưởng thức phở là trải nghiệm không thể bỏ qua. Có lẽ cũng không cách nào làm bạn "ấm lòng" nhanh nhất giữa mùa Đông bằng... một bát phở.
Phở tái lăn là một món ăn thú vị của Hà Nội. Thịt bò được xào nóng hổi trên chảo nóng với hành lá, rau thơm và gia vị rồi mới cho vào bát phở. Chủ quán chỉ cần chan thêm nước dùng được ninh bằng xương bò hàng giờ đồng hồ là sẽ có ngay một tô phở thành phẩm. Thưởng thức mới thấy thịt vừa chín tới, ngon ngọt mọng nước. Hành thì chín vừa, không còn mùi hăng mà vẫn dậy hương thơm hấp dẫn.
Sự nóng hổi, cái vị béo ngậy và nước dùng đục mờ là những đặc trưng của phở tái lăn. Nếu muốn nếm thử món ăn này, thực khách có thể đến các quán phở truyền thống ở đường Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng để thưởng thức.
Còn thực khách muốn thưởng thức món phở tái chín truyền thống của Hà Nội, bạn có thể đến các phố như Bát Đàn, Hàng Trống, Phùng Hưng hay Quang Trung để nếm thử món ăn đã gắn bó hàng thập kỷ với Thủ đô này.
Phở tái chín có thịt bò được chần vừa chín tới, vẫn còn vị ngọt đặc trưng, nguyên bản không thêm gia vị. Hành được chần phần đầu trắng chín tới, vị giòn ngọt không hăng còn phần lá xanh thì chín vừa đủ ăn. Nước dùng trong vắt là đặc trưng của phở Hà Nội tái chín mà cũng là niềm tự hào của người chế biến. Phải bỏ rất nhiều công sức hầm xương ngày đêm, cộng với việc nêm nếm gia vị theo công thức bí truyền thì mới được nồi nước dùng trong vắt, ngọt lịm đầy say mê.