Khi đất trời chuyển mùa sang Thu, những ngọn măng hốc mập mạp vươn mình trong nắng vàng, gió nhẹ. Đây là loại măng được người Thái ở Sơn La chế biến ra được nhiều món ăn, phổ biến nhất là 5 món:
Măng khóp (Nó khóp): Có thể nói đây là món ăn tinh túy nhất vì nó được làm từ phần lá non đầu nõn của củ măng. Chọn những củ măng đã trồi lên mặt đất khá cao vì có nhiều phần lá. Dùng dao sắc lẹm thái ngang thật mỏng ngọn măng tới khi chạm tới phần thân củ măng thì thôi, đem rửa sạch nõn măng rồi ngâm với nước muối pha loãng trong một ngày cho hết vị hăng, sợi măng sẽ chuyển sang mềm, trắng như sợi bún chỉ, có vị dôn dốt chua. Đem xào « Nó khóp » với lòng gà hoặc nấu canh cá, ăn ghém với các loại rau thơm đều vô cùng hấp dẫn.
Măng pửng (Nó pửng): Là phần ống măng tiếp theo sau khi đã lấy đi phần nõn lá; cắt khúc vừa ăn, đem ngâm với nước lã một ngày sau đó vớt ra ngâm tiếp vào nước tro bếp pha loãng thêm 2 ngày là được. Nước tro bếp có tác dụng khử vị hăng của măng, khi ăn có vị đậm, mùi thơm đặc trưng riêng biệt. Măng pửng không có vị chua, đem nấu với ốc ruộng, thêm gia vị sả và rau húng chó là một món canh lạ, đậm đà bản sắc.
Măng chua (Nó xổm): Lấy từ phần củ măng hoặc ống giữa củ măng đem đập dập, bóp qua một chút muối trắng rồi ấn vào chum vại sành, buộc miệng thật kín rồi để vào chỗ mát dùng quanh năm; măng để được lâu, mềm, khi nấu không chua gắt. Nước măng chua đem nấu đặc còn là nguyên liệu không thể thiếu để chế biến món gỏi cá. Nhà có khách, chủ nhà chỉ việc đặt nồi canh măng chua lên bếp củi rồi vác chài ra ao quăng lấy vài con cá hoặc xuống sàn vãi gạo gọi đàn gà về, bắt lấy một con làm thịt, chặt miếng bỏ vào nồi măng chua, ăn cùng rau cải non ngoài vườn, món ăn sẽ rất ngon miệng.
Măng héo (Nó héo): Lấy từ phần lá của củ măng, thái nhỏ rồi đem ngâm vài ngày cho chua, vắt kiệt nước đem phơi khô làm thức ăn dự trữ. «Nó héo » có mùi thơm rất hấp dẫn. Có đĩa « Nó héo » xào lòng hoặc bát canh nấu với nước luộc gà, vịt béo đặt trên mâm cơm cũng là bày tỏ lòng mến khách của đồng bào Thái.
Măng khô (Nó hang): Những củ măng hốc tròn mập mới nhô lên khỏi mặt đất hoặc những ngọn măng đã lên ống đều được chọn làm măng khô; loại măng củ thường gọi là « măng lưỡi lợn ». Sau khi luộc chín, măng được bổ miếng dày vừa phải rồi đem phơi dưới nắng to tới khi khô kiệt nước, măng ngả màu vàng sậm.Vào dịp ngày lễ, tết mỗi nhà không thể thiếu món canh măng khô nấu với xương, móng giò thể hiện sự sang trọng của bữa cơm gia đình.
Còn vào tầm tháng 3, tháng 4 hàng năm, khi những nhành hoa ban trắng tinh khiết bung nở khắp núi rừng, thì cũng là lúc ní rừng Tây Bắc có rất nhiều măng đắng. Những ngọn măng nướng trên than củi, quấn với thứ lá chát hái trên rừng rồi chấm với “chéo” đã để lại vị ngăm đắng, chát, ngọt, cay cay…, nơi đầu lưỡi.
Rồi những cơn mưa mùa Hạ đến sớm đánh thức loài măng sặt nảy lên mặt đất. Những ngọn măng nhỏ dài như ngón tay con gái, được coi là loại măng ngon có giá trị nhất. Măng sặt bóc vỏ, để nguyên cái, đem ninh nhừ với sườn lợn, ăn giòn, ngọt, ngầy ngậy. Hoặc măng sặt xào với rau bờ rào (phắc nam min) vốn đã trở thành món đặc sản tại các nhà hàng trong tỉnh. Bước vào mùa Hạ, khi những cơn mưa rào trút xuống, rì rầm trong lớp đất ẩm ướt là những búp măng Lay thon thon đội đất nhoi lên. Măng để cả vỏ đem luộc kỹ, khi chín có lớp vỏ vàng tươi, bóc ra cây măng có màu trắng ngà, ăn ngọt đậm, thơm. Măng lay chấm với « chéo » hoặc « mẳm cá » cùng với cơm xôi nếp dẻo là món ăn hấp dẫn đã đi vào thơ ca sâu lắng trong lòng du khách gần xa : « Nhớ đĩa măng Lay cùng chum rượu cần/cho anh say/…./quên cả lối về !…»
Còn rất nhiều những món ăn từ các loại măng khác của núi rừng, tuy giản dị nhưng luôn là món ăn độc đáo của văn hóa ẩm thực Sơn La.