Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hương vị dân dã trong món ăn của người Hà Nhì đen

PV - 10:41, 19/08/2021

Người Hà Nhì đen ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai gây ấn tượng với khách phương xa bởi những nét văn hóa truyền thống độc đáo và có phần kỳ bí. Trong kho tàng văn hóa phong phú của mình, ẩm thực của người Hà Nhì với hương vị đặc trưng của rừng, núi luôn khiến du khách tò mò, muốn được thưởng thức.

Các món ăn trong ngày Tết Ga Tho Tho đều được chế biến từ thịt lợn. Ảnh: Bích Nguyên
Các món ăn trong ngày Tết Ga Tho Tho đều được chế biến từ thịt lợn. Ảnh: Bích Nguyên

Sáng sớm của ngày Tết Ga Tho Tho - Tết cổ truyền của người Hà Nhì, các thành viên của gia đình ông Ly Giờ Có, ở xã Y Tý lục đục thức dậy mổ lợn chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Ông Có bảo, bữa ăn thường ngày của người Hà Nhì rất đơn giản nhưng vào ngày lễ, Tết là dịp mọi người chế biến các món ăn truyền thống cầu kỳ hơn. Hôm nay, ngoài mâm cúng tổ tiên ông còn làm chừng 6 mâm cơm mời khách. Theo truyền thống của dân tộc Hà Nhì, các món ăn trong dịp Tết Ga Tho Tho đều chế biến từ thịt lợn. Vì thế ông quyết định mổ con lợn to nhất trong chuồng.

Người Hà Nhì có nhiều ngày lễ, Tết quan trọng, trong đó có 3 ngày lễ lớn là Tết Ga Tho Tho, Lễ Khô Già Già (lễ cầu mùa thường tổ chức vào tháng 6 âm lịch), Lễ Gạ Ma O (lễ cúng thần rừng, tổ chức vào tháng Giêng âm lịch). Vào những dịp đó, người Hà Nhì chế biến nhiều món ăn truyền thống từ nhiều loại thực phẩm khác nhau để dâng cúng thần linh, tổ tiên và thiết đãi bạn bè.

Ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đã chuẩn bị một mâm lễ vật mang đến sân nhà trưởng bản
Trong Tết cổ truyền Gạ Ma O, ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đã chuẩn bị một mâm lễ vật mang đến sân nhà trưởng bản (Ảnh tư liệu)

Theo quan niệm của người Hà Nhì, khi tết đến, các gia đình dâng lễ vật cúng tổ tiên phải là những thứ do gia đình làm được trong năm. Thịt lợn và lúa gạo là hai loại thực phẩm quan trọng nhất dùng để chế biến các món ăn dâng cúng tổ tiên. Vì thế mà mỗi gia đình Hà Nhì, dù khá giả hay nghèo đều cố gắng nuôi 1 con lợn để mổ thịt vào dịp Tết.

Khu bếp nhà ông Có đỏ lửa từ lúc lợn được mổ xong. Một phần được cho vào nồi luộc, một phần chế biến món xào, một phần làm món thịt nướng than hoa. Với các nguyên liệu sẵn có từ các loại cây, củ, quả vườn và trên rừng như thảo quả, lá móc mật, riềng, sả, hạt tiêu rừng, ớt..., người nhà ông Có đã khéo léo ướp thịt, chế biến thành các món ăn hấp dẫn với hương vị đặc trưng thơm nức. Mâm cơm ngày Tết còn có bát dồi tiết, rau cải luộc, nấm xào, canh đậu phụ, canh bí đỏ nấu xương lợn, chè gừng...

Phụ nữ Hà Nhì Đen làm bánh dày
Phụ nữ Hà Nhì Đen làm bánh dày

Trong mâm cơm của nhà ông Có còn có 2 món dân dã, rất đặc trưng là bánh dày và xôi tím. Ông Có bảo, đó là 2 món truyền thống không thể thiếu của người Hà Nhì mỗi dịp Tết. Để chế biến 2 món ăn này, những người phụ nữ trong nhà phải dậy từ rất sớm để giã bánh, đồ xôi. Để bánh dày thơm và dẻo, họ phải chọn loại gạo nếp nương ngon nhất, đồ lên rồi đem giã đều tay.

Người Hà Nhì còn có những món ăn đặc trưng khác cho mỗi dịp lễ, Tết khác nhau. Nếu như ngày Tết Ga Tho Tho các món ăn đều chế biến từ thịt lợn thì dịp lễ cúng thần rừng, hay lễ cúng bản... còn có các món ăn chế biến từ thịt gà, thịt chó và thịt trâu. Các món ăn đặc trưng nhất là thịt chó nấu rau cải, canh gà nấu măng, thịt trâu nướng, thịt trâu xào gừng ớt, bánh thảo quả, vịt nướng tiêu rừng, cà gai xào ớt... Vào dịp lễ cúng thần rừng, người Hà Nhì còn làm món xôi vàng với quan niệm màu vàng là màu của mặt trời, tượng trưng cho sự vĩnh hằng, thể hiện sự thành kính với thần linh.

Một mâm lễ trong ngày tết Gạ Ma O
Một mâm lễ trong ngày tết Gạ Ma O

Sẽ là điều luyến tiếc lớn nếu đến Y Tý mà chưa được thưởng thức bia Hà Nhì - loại đồ uống truyền thống của dân tộc này. Đây không phải là loại bia hơi chúng ta thường thấy mà là loại đồ uống đặc biệt do người Hà Nhì chế biến thủ công từ gạo dành để đãi khách vào các dịp lễ, Tết. Bia Hà Nhì có vị ngọt dịu, thơm nồng dễ uống. Các công đoạn ủ bia khá cầu kỳ. Bia ngon hay không phụ thuộc vào nguyên liệu. Vì thế, người Hà Nhì, khi thu hoạch, bao giờ cũng chọn những bông lúa nếp nương mẩy nhất để riêng. Họ phơi khô rồi sát vỏ để có những hạt gạo đều và thơm.

Gạo nếp được đãi sạch, sau đó, ngâm nước khoảng 1 giờ rồi đem đồ thành xôi. Sau khi xôi chín, người Hà Nhì đổ xôi ra mẹt, rải đều cho nguội. Tiếp đến là công đoạn ủ men. Người Hà Nhì tự làm loại men lá truyền thống từ hạt cây và lá rừng. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men đều lên xôi rồi cho vào hũ sành, bịt kín lại. Sau khoảng 3 ngày hũ xôi sẽ lên men, tiết là nước cốt có màu trắng ngà, có mùi thơm và vị ngọt. Lúc này người ta sẽ cho thêm nước đã đun sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ. Khoảng 15 ngày sau, hũ xôi sẽ cho ra loại nước có màu vàng nhạt mà người Hà Nhì gọi là bia.

Trong nỗ lực phát huy và quảng bá di sản văn hóa độc đáo của người Hà Nhì, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Lào Cai đã tiến hành các hoạt động bảo tồn văn hóa ẩm thực của người Hà Nhì. Đơn vị này đã tổ chức quay phim quá trình các nghệ nhân chế biến gần 20 món ăn ngon, khác lạ của dân tộc Hà Nhì. Qua đó, các nghệ nhân đã trao truyền kỹ thuật chế biến các món ăn độc đáo cho thế hệ trẻ.

Người Hà Nhì Đen chuẩn bị lễ cúng trong Tết Gạ Ma O
Người Hà Nhì Đen chuẩn bị lễ cúng trong Tết Gạ Ma O (Ảnh tư liệu)

Ở Y Tý hiện giờ đã có một số gia đình kinh doanh homestay. Du khách có thể nghỉ lại ở homestay, thưởng thức phong cảnh núi non hùng vĩ với những dòng sông mây khổng lồ cũng như trải nghiệm văn hóa của người Hà Nhì. Nếu bạn có nhu cầu, gia chủ sẽ rất sẵn lòng phục vụ các món ăn độc đáo, đậm hương vị của núi rừng biên cương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.