Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những đứa con của buôn làng với sứ mệnh thắp sáng quê hương

Ngọc Thu - 07:35, 20/11/2022

Thương những đứa trẻ, dân làng vùng khó khát chữ, những “chiến sĩ cầm bút, cầm phấn” với trái tim yêu nghề, mến trò đã trụ vững nơi khó khăn. Và càng trân quý hơn, khi chính những người thầy, cô đó là người DTTS Gia Rai, Ba Na đã vượt khó truyền lửa tri thức đến các học trò nghèo trên quê hương mình.

Một tiết học dân vũ do thầy giáo Tưih - Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đak Đoa dạy cho các em học sinh
Một tiết học dân vũ do thầy giáo Tưih - Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đak Đoa dạy cho các em học sinh

Mang con chữ trở lại buôn làng

Những giáo viên là DTTS ở vùng khó Gia Lai bằng trách nhiệm, tình yêu nghề ngày đêm miệt mài cống hiến, âm thầm “gieo chữ, trồng người” vì thế hệ tương lai và vì dân làng.

Tích cực trong giảng dạy, đi đầu trong các phong trào thi đua, thân thiện với đồng nghiệp và luôn yêu thương hết mình vì học trò là những nhận xét mà giáo viên, phụ huynh và học sinh ở đây dành cho cô giáo Yanar (sinh năm 1980, dân tộc Gia Rai) giáo viên trường Tiểu học xã Ia Phí, huyện Chư Păh.

Cô giáo Yanar có 22 năm theo nghề dạy học thì có đến 14 năm cô Yanar gắn bó với Trường Tiểu học Ia Phí, huyện Chư Păh
Cô giáo Yanar có 22 năm theo nghề dạy học thì có đến 14 năm cô Yanar gắn bó với Trường Tiểu học Ia Phí, huyện Chư Păh

22 năm theo nghề dạy học thì có đến 14 năm cô Yanar gắn bó với Trường Tiểu học Ia Phí. Vì vậy, hơn ai hết, cô giáo Yanar thấu hiểu hoàn cảnh em học sinh nghèo thiếu ăn khát chữ. Năm học nào cũng thế, đầu năm học mới, cô thường kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường. Khi thì chiếc xe đạp, lúc thì hộp bút, quyển vở, bộ sách, lúc là bộ đồng phục… Những sự hỗ trợ tuy nhỏ nhưng cũng đủ mang lại niềm vui để các em được đến trường như bao bạn bè khác.

Anh Rơ Châm Vâng - Làng Op, xã Ia Phí, huyện Chư Păh bày tỏ: “Trong lúc gia đình mình khó khăn, không biết phải lo sao cho lũ nhỏ có quần áo, sách vở để đi học thì cô Yanar mang đến tặng cho con mình đồng phục học sinh. Cô cũng động viên mình và con mình cố gắng học lấy cái chữ sau này biết tính toán làm ăn. Mình nghe lời cô, cố gắng cho con đi học đều đặn”.

Cô giáo Yanar đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp tặng cho học sinh nghèo đến trường
Cô giáo Yanar (bên phải) đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp tặng cho học sinh nghèo đến trường

Để việc học không bị áp lực, nhàm chán với các em học sinh, cô Yanar luôn khơi gợi sự sáng tạo, khám phá cho học trò trong mỗi tiết học như: đố chữ có thưởng, tìm hiểu bài bất ngờ…

Còn cô giáo người dân tộc Gia Rai Rơ Lan Vy (26 tuổi, giáo viên mầm non xã Dun, huyện Chư Sê) không chỉ được học trò yêu mến mà cô được dân làng Dun cảm phục bởi tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Thấy nhiều người dân trong làng không biết chữ, cô giáo trẻ Rơ Lan Vy đã phối hợp của Đoàn thanh niên xã Dun mượn phòng học của các trường trong làng để dạy chữ cho bà con.

Cô giáo dân tộc Gia Rai Rơ Lan Vy (giáo viên mầm non xã Dun, huyện Chư Sê) mở lớp học miễn phí cho người dân làng Dun
Cô giáo dân tộc Gia Rai Rơ Lan Vy (giáo viên mầm non xã Dun, huyện Chư Sê) mở lớp học miễn phí cho người dân làng Dun

Mỗi khi mặt trời xuống núi cũng là lúc dân làng lại kéo nhau đến học lớp xóa mù chữ của cô Rơ Lan Vy. Lớp học hiện có hơn 10 học viên, từ 18 đến hơn 50 tuổi, đều là bà con người dân tộc Gia Rai. Có nhà 3 - 4 người cùng đến học. Lớp học vì thế trở nên sôi nổi. 

Nhiều tháng nay, bà Rơ Lan Bla (54 tuổi, làng Greo Sek, xã Dun) cùng con gái và con rể tham gia lớp học đều đặn. Hiện bà đã thuộc được bảng chữ cái và đọc các từ đơn giản trong sách Tiếng Việt bậc tiểu học. 

"Ngày trước vì điều kiện khó khăn nên mình phải đi làm trên nương rẫy kiếm ăn, không theo học được. Giờ đây, không biết chữ nhiều khi làng dán thông báo cũng không dám ra coi, sợ mọi người chê cười. Vì vậy, khi nghe cô giáo mở lớp, cả nhà tôi tìm đến học ngay. Dù có lớn tuổi, tiếp thu chậm nhưng cô Vy dạy chữ rất nhiệt tình khiến mình càng cố gắng hơn. Đến nay mình đã biết đọc, biết viết, xem được cả điện thoại nên thấy phấn khởi lắm. Mình vận động mọi người trong làng cùng cố gắng đến lớp.", bà Bla vui mừng chia sẻ.

Thầy giáo Tưih - Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đak Đoa ân cần hướng dẫn học sinh viết chữ
Thầy giáo Tưih - Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đak Đoa ân cần hướng dẫn học sinh viết chữ

Thầy giáo Tưih (32 tuổi, người Ba Na, làng Dur, xã Glar, huyện Đắk Đoa) tốt nghiệp Đại học và về nhận công tác tại Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đak Đoa. Là ngôi trường vùng sâu nên lớp 2 do thầy Tưih chủ nhiệm 100% là học sinh DTTS Gia Rai, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, thầy Tưih lại chuẩn bị sẵn sàng cho công tác vận động học sinh ra lớp.

Thời điểm bước vào năm học mới cũng là lúc Tây Nguyên hối hả những cơn mưa tầm tã. Những con đường đất đỏ nhão nhượt như sẵn sàng xô đổ bất cứ ai đi qua. Thế nhưng, vẫn không thể cản nổi bước chân thầy Tưih tìm đến từng nhà học sinh để vận động ra lớp. Đối với những em nhỏ không có phương tiện, cha mẹ chở đi, thầy Tưih cũng sẵn sàng “cõng” từng em trên chiếc xe máy cà tàng đến trường.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, để vận động học sinh đi học đều trở lại trường, thầy Tưih đã tự mua máy chiếu phục vụ dạy học, chiếu phim hoạt hình, tạo hứng thú cho em trong giờ ra chơi. Đồng thời, lồng ghép các trò chơi, dân vũ hoạt động bổ ích, khen thưởng đồ dùng học tập, sách vở cho các em, hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh vùng cao. Đối với những em học sinh học lực yếu, thầy sắp xếp dạy kèm buổi chiều, tối. Nhờ vậy, những học sinh do thầy Tưih dạy đều nhận biết, viết và thuộc lòng bảng chữ cái. Năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 2 do thầy Tưih chủ nhiệm đều đến lớp đầy đủ, chuyên cần.

Em Rah Lan Hêm (lớp 2) cho biết: “Trước đây em không nói chuyện, chỉ biết nghe và nhìn các bạn học. Từ khi được thầy Tưih dạy, em đã biết đọc, biết viết. Em muốn được đến trường nhiều hơn”.

Cô giáo Yanar tham gia viết sách giáo khoa bằng tiếng Gia Rai của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cô giáo Yanar (bìa trái) tham gia viết sách giáo khoa bằng tiếng Gia Rai của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thắp sáng ước mơ học sinh vùng khó

Hiện nay, cô giáo Yanar còn được sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai chọn tham gia viết tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 sử dụng trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, tham gia viết sách giáo khoa bằng tiếng Gia Rai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cô giáo Yanar - Trường Tiểu học xã Ia Phí, huyện Chư Păh chia sẻ: “Học sinh của mình chủ yếu thuộc hộ nghèo mà nhà lại ở cách xa trường nên mình cũng xin các mạnh thường quân cho các em xe đạp để các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Ngoài ra, việc mình tham gia tham gia viết sách giáo khoa bằng tiếng Gia Rai cũng mong muốn được bảo tồn văn hoá, chữ viết truyền thống của dân tộc. Nhìn thấy các em học sinh ngày ngày được đến trường, học cái chữ là mình cảm thấy bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến hết ”.

Cô giáo Rơ Lan Vy phấn khởi thực hiện ước mơ xoá mù chữ cho dân làng Dun
Cô giáo Rơ Lan Vy đang xoá mù chữ cho dân làng Dun

Còn cô giáo Rơ Lan Vy tâm sự: "Tôi cũng là người con của làng nên biết rằng nhiều người lớn tuổi, chị em phụ nữ ở đây không biết chữ. Từ đó, tôi ấp ủ ước mơ mở lớp xóa mù chữ ngay tại làng mình từ lâu. Giờ đây, tôi mới thực hiện được ước mơ ấy. Thấy chị em học tập tiến bộ từng ngày tôi thấy mình thật hạnh phúc".

Đối với thầy Tưih, phần thưởng lớn nhất cho nghề giáo của mình đó là các em đã biết mặt con chữ, hàng ngày đến lớp đều đặn. “Chỉ cần các em đến lớp đầy đủ, hoàn thành môn học đã khiến thầy cô trọn niềm vui. Nhìn thấy các em vui đùa trong những lúc học, chơi trò chơi tôi thấy mọi sự chuẩn bị của mình dành cho các em là xứng đáng. Tôi mong muốn có thể tìm ra được nhiều giải pháp hay hơn nữa để giúp các em hứng khởi hơn khi đến lớp, để níu chân các em trên con đường học tập, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”.

Thầy Tưih mong muốn tìm ra được nhiều giải pháp dạy học mới để giúp các em hứng khởi hơn khi đến lớp
Thầy Tưih mong muốn tìm ra được nhiều giải pháp dạy học mới để giúp các em hứng khởi hơn khi đến lớp

Nơi vùng đất khó, chính cái tâm với nghề giáo níu chân thầy cô ở lại. Còn với các em học sinh, tình yêu thương của thầy cô giáo là sợi dây bền chặt giữ các em ở lại với lớp, với trường. Ở nơi các thầy cô giáo đã thầm lặng gieo chữ, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh luôn đạt gần 100% chính là minh chứng cho những nỗ lực thầm lặng đó và cũng là động lực giúp thầy cô giáo kiên trì bám trường, thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng khó.

Những đóng góp của các thầy cô giáo như cô giáo Yanar, cô giáo Rơ Lan Vy, thầy Tưih và nhiều thầy cô giáo ở vùng đồng bào DTTS đang ngày đêm đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, thông qua việc làm của mình góp phần tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS tiếp tục chăm lo cho việc học của trẻ em vùng cao, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực).

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.