Theo thông tin từ ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, do đặc thù là tỉnh miền núi, dân cư sống rải rác nên các trường mầm non được phân bổ rộng khắp trên toàn địa bàn. Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh có 166 trường mầm non công lập, 856 điểm trường lẻ, với tổng số trên 60.700 trẻ theo học. Trong đó, có tới 898/1.824 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép (chiếm gần 50%).
Với số lượng trường lớp như trên, hiện nay tỉnh Điện Biên còn thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non. Bởi vậy, hầu hết số giờ làm việc của giáo viên đều vượt quá định mức quy định của Bộ GD&ĐT, đa phần phải làm ngoài giờ hoặc vào ngày nghỉ. Một số điểm trường vùng khó khăn chủ yếu 1 giáo viên/1 lớp. Do đó, các cô cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau: Chăm sóc, quản lý, giáo dục...
Tại Trường Mầm non Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, năm học vừa qua có 816 em theo học. Ngoài trung tâm, 14 điểm còn lại của nhà trường đều có những khó khăn đặc thù riêng.
Cô Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Na Cô Sa, cho biết “Để giảm bớt một phần vất vả cho giáo viên ở điểm bản, từ năm ngoái đến nay nhà trường đã vận động địa phương, bà con Nhân dân cùng đóng góp công sức, hỗ trợ trong việc nấu ăn, sắp xếp, dọn dẹp... Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực bằng những chế độ, chính sách cụ thể hơn, để tạo thêm nguồn động lực giúp các cô tiếp tục gắn bó lâu dài với giáo dục vùng khó”.
Cô Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết “Bên cạnh kiến nghị với Đảng, Chính phủ ưu tiên ngân sách, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó, các chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên, ngành giáo dục Điện Biên cũng đề xuất Chính phủ quan tâm, nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số…”.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: đến năm 2025 tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 60% và người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.
Vậy để đạt được 3 mục tiêu trên, cùng việc thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu đặt ra chủ yếu là đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là hết sức cần thiết. Trước hết, ngành nội vụ và các cấp chính quyền cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi cả về số lượng và chất lượng.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà, đoàn Lào Cai, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, một số địa phương chỉ ưu tiên mở các lớp 5 tuổi, để chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, ưu tiên giáo viên để dạy cấp tiểu học và THCS.
Điều này đã đặt trẻ em từ 0 đến 2 và 3 đến 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường. Trong khi lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022- 2026 vẫn thực hiện tinh giản 10% và tinh giản cả với đội ngũ giáo viên.
“Thực tế cho thấy, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ. Nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh chuyên cần chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung”, đại biểu Lê Thu Hà chia sẻ.
Với những bất cập đó, đại biểu Lê Thu Hà đã kiến ghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi vùng cao.