Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Ba cùng” với học sinh vùng cao

PV - 13:58, 22/03/2022

Các trường phổ thông dân tộc nội trú có lượng học sinh đông, ở tập trung nên việc phòng, chống dịch Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn. Khắc phục vấn đề này, thời gian qua, nhiều trường nội trú ở Bắc Kạn đã triển khai mô hình "ba cùng" với học sinh, góp phần phòng, chống dịch, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Na Rì phát khẩu trang cho học sinh
Giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Na Rì phát khẩu trang cho học sinh

Những ngày này, thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) trung bình mỗi ngày phát hiện, ghi nhận khoảng 200 trường hợp mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, học sinh vẫn bảo đảm giờ lên lớp, được giữ an toàn trước dịch bệnh.

Thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng học) với học sinh, nhà trường phân công mỗi tối có 3 giáo viên cùng 1 bảo vệ và nhân viên y tế trực quán xuyến việc ăn, ở, học của các em. Để giữ an toàn tối đa, trường phân luồng giờ học, giờ ăn, tắm giặt; phân cả đường đi riêng cho những em có nguy cơ nhiễm dịch. Đối với những em phải cách ly, cấp dưỡng của trường đưa cơm lên tận phòng ở.

Hiệu trưởng Lê Thị Bạch cho biết, với 275 học sinh ở nội trú, nhà trường xác định việc phòng, chống dịch đi đôi với dạy và học là yêu cầu đặt lên hàng đầu. Việc phân công trực hằng ngày, hằng đêm tại trường sẽ tạo thêm vất vả cho giáo viên nhưng tất cả đều đồng lòng ủng hộ thực hiện. Không chỉ cùng ăn, cùng ở mà các giáo viên cũng coi đây là cơ hội để giúp các em giữ nền nếp ôn tập bài hiệu quả.

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Na Rì có 4 khối lớp với 273 học sinh. Nhận thấy thời gian này tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, nhà trường đã thực hiện phương án cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng ở nội trú tại trường để thực hiện nhiệm vụ dạy học, phòng dịch bệnh.

Trường tuyên truyền cho học sinh thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách và thực hiện theo chỉ dẫn của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, quản sinh và nhân viên bảo vệ. Thường xuyên kiểm tra, quán triệt, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm phương án phòng dịch; chuẩn bị đủ tư trang, đồ dùng sinh hoạt cá nhân phục vụ ăn, ngủ nội trú tại trường để không tiếp xúc với bên ngoài; duy trì hoạt động dạy học trực tiếp và sẽ dạy học, làm việc trực tuyến khi phải cách ly.

Em Lý Anh Thư, học sinh lớp 9B cho biết: "Từ khi các thầy, cô cùng ở tại trường, chúng em cảm thấy yên tâm, an toàn hơn dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ngoài giờ học, chúng em còn được các thầy, cô trò chuyện, thăm hỏi, động viên, trường như là ngôi nhà thứ hai của chúng em".

Trường huy động các máy tính của nhà trường, của giáo viên và thiết bị hiện có để thực hiện nhiệm vụ dạy học trực tuyến và trực tiếp; chuẩn bị chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt cá nhân cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường bảo đảm an toàn, thuận tiện. Nhờ đó, trường duy trì buổi sáng lên lớp theo thời khóa biểu 5 tiết/buổi; buổi chiều lên lớp theo thời khóa biểu 2 tiết/buổi; buổi tối học sinh tự học, ôn bài tại lớp học, có sự kiểm soát của quản sinh.

Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Vinh cho biết: “Ngoài thực hiện tốt phòng dịch ở trường, các giáo viên chủ nhiệm cũng tăng cường phối hợp phụ huynh học sinh trong thực hiện các biện pháp phòng dịch tại gia đình. Học sinh và giáo viên thường xuyên thực hiện đeo khẩu trang trên lớp, đồng thời hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người, chỉ tổ chức trong lớp học”.

Thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Na Rì cùng ở lại trường với học sinh
Thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Na Rì cùng ở lại trường với học sinh

Đối với những trường có học sinh nhiễm Covid-19, các thầy cô giáo cũng dành toàn bộ tâm sức để “cùng chữa bệnh” với các em. Những ngày này, tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Pác Nặm có tới 60 học sinh khối 6 và 5 giáo viên mắc Covid-19 mà chưa rõ nguồn lây. Thay vì đưa các em đi cách ly tập trung, nhà trường quyết định để cách ly các em tại trường trong khu riêng. Hằng ngày, đội ngũ giáo viên cùng xắn tay lo hậu cần, cơm đưa từng phòng; tối nấu nước nóng tắm cho các em. Nhà trường giữ liên hệ chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, sẵn sàng bố trí cán bộ y tế hỗ trợ khi có em sốt cao.

Hiệu trưởng Dương Văn Hải cho biết: “Cách làm này khiến giáo viên vất vả hơn nhưng là cách tốt nhất để ngăn ngừa dịch lây lan rộng, đồng thời, giáo viên cũng chăm sóc được các em tốt hơn, em nào khỏe lại có thể nhanh chóng ôn tập bài, chuẩn bị học bài mới hiệu quả”.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn có 23 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó, có bảy trường tiểu học, hai trường tiểu học và trung học cơ sở, 14 trường trung học cơ sở với tổng số học sinh bán trú 5.469 em. Số trường phổ thông có học sinh bán trú là 69 trường, gồm: 30 trường tiểu học, 27 trường tiểu học và trung học cơ sở, 12 trường trung học cơ sở với tổng số học sinh bán trú 18.307 em. Các trường tùy tình hình thực tế mà có cách bố trí học trực tiếp hoặc trực tuyến. Hầu hết các trường đều tăng số lượng giáo viên cùng ăn, cùng ở, cùng học với các em.

Để nâng cao hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn cho tất cả các trường học về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, giáo viên đã được trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ phòng, chống dịch; kiến thức, kỹ năng chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc Covid-19; trao đổi thêm về kinh nghiệm phòng, chống dịch. Sở cũng yêu cầu các trường, nhất là hệ thống các trường nội trú, bán trú thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.