“Nhỏ giọt”… kinh phí
Hàng năm, ngân sách Trung ương (NSTW) đã trích một khoản nhất định từ nguồn dự phòng để hỗ trợ cho các địa phương, với mục tiêu phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Đó là nguồn lực vô cùng cần thiết để các địa phương có phương án bố trí dân cư khỏi vùng nguy hiểm, cứu trợ người dân, hỗ trợ địa phương kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, so với thiệt hại thực tế thì, kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai mới dừng lại ở mức hỗ trợ.
Năm 2017 có thể xem là thảm họa, khi mà thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thiệt hại do thiên tai gây ra cho nền kinh tế nước ta trong năm 2017, lên tới gần 60.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016. Miền Trung vẫn là khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất; trong đó, Quảng Bình gần 8.000 tỷ đồng, Hà Tĩnh 7.500 tỷ đồng…
Và, để khắc phục hậu quả thiên tai, ngoài các gói cứu trợ khẩn cấp cho người dân (lương thực, cây con giống…), NSTW đã bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương khôi phục hạ tầng, nhưng kinh phí không nhiều. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình được NSTW hỗ trợ 70 tỷ đồng; tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 135 tỷ đồng…
Nguồn ngân sách hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai còn quá ít, chỉ tính riêng 11 tháng năm 2020, thiệt hại do thiên tai ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung. Nếu dành cả con số này để hỗ trợ cho bất kì 1 tình nào thì cũng không thấm vào đâu. Tuy nhiên, 1.250 tỷ đồng lại chia cho 9 tỉnh vùng miền Trung bị thiệt hại, thì khác nào “muối bỏ biển”.
Thực tế hiện nay, các cấp đang dùng một số nguồn kinh phí để cung cấp tài chính cho công tác ứng phó và phục hồi sau thiên tai, bao gồm nguồn dự phòng NSTW và các địa phương, các khoản phân bổ ngân sách cụ thể, nguồn dự trữ Nhà nước bằng vật chất, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm và viện trợ của các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh còn nhiều hạn chế, khiến cho các quỹ này không thể vận hành một cách đầy đủ.
Bên cạnh đó, các địa phương đang tập trung cho các dự án bố trí dân cư tập trung (có mức đầu tư lớn, chủ yếu là nguồn đầu tư phát triển); trong khi mô hình di dân xen ghép phù hợp với điều kiện, khả năng ở địa phương (địa hình, đất đai, phong tục tập quán, ngân sách...), hay bố trí ổn định tại chỗ (chủ yếu vốn sự nghiệp) ít được quan tâm.
Từ những bất cập trên, đã dẫn đến việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng nguy hiểm trên phạm vi cả nước trong thời gian qua, đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là: chưa sắp xếp được thứ tự ưu tiên để bố trí vốn dứt điểm cho các dự án cấp bách; một số dự án phải điều chỉnh lại quy mô, số hộ thực hiện.
Nguồn vốn bố trí cho các dự án, chủ yếu là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hàng năm; công tác huy động vốn đầu tư của các tổ chức khác trên địa bàn khó thực hiện, nên chưa đáp ứng được tiến độ đề ra của dự án. Chính quyền nhiều địa phương cũng chưa bố trí, lồng ghép được các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ cho các hộ sau bố trí dân cư, nhất là việc tạo sinh kế.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đánh giá, công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số địa phương sau khi nhận được hỗ trợ, nhưng triển khai chậm dẫn tới phải kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai; việc đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai không dứt điểm, làm giảm hiệu quả.
Gỡ khó... nhưng vẫn không hết khó
Kinh phí là vấn đề được nói đến nhiều nhất, nhưng lại là vấn đề không được giải quyết triệt để nhất.
Lâu nay, NSTW bố trí cho công tác di dân khỏi vùng nguy hiểm rất hạn hẹp. Chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của mỗi địa phương. Nhìn từ hàng loạt dự án di dân khẩn cấp vùng Trung Bộ mà Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải cách đây không lâu, đủ để minh chứng cho điều này. Nhiều dự án đã thi công hàng chục thập kỉ vẫn chưa xong, người dân thì chưa thể đến ở, các hạng mục đã được đầu tư thì đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, nguồn lực xã hội hóa lại gần như đang “bỏ trống”, thậm chí đã huy động nhưng không đáng là bao nhiêu.
Thực tế cho thấy, chúng ta mới chỉ xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khi đã xảy ra thảm họa thiên tai bằng sự ủng hộ tiền, hiện vật… của người dân cả nước và một số tổ chức ở nước ngoài. Cái chúng ta cần hiện nay, là nguồn lực xã hội hóa ấy, cần được vận động, sử dụng nhiều hơn cho “yếu tố cốt lõi” là "phòng hơn chống", lại chưa hiệu quả.
Bí thư đảng ủy xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Hồ Văn Vọng chia sẻ: Nhớ lại thảm họa thiên tai năm 2020 ở địa phương thật khủng khiếp. Chỉ phút chốc, chúng tôi thành xã 6 không. Đến nay địa phương và người dân vẫn chưa thể khắc phục hết được khó khăn để ổn định và phát triển. "Chúng tôi mong muốn các cấp dành quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực để Hướng Việt sắp xếp lại dân cư, đầu tư các công trình phòng chống thiên tai", ông Vọng mong mỏi.
Để từng bước “gỡ khó” về nguồn lực, nhiều địa phương đã có những giải pháp hợp lí hơn trên cơ sở tình hình thực tế. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: Quá trình triển khai các dự án di dân khẩn cấp, chúng tôi đã lập kế hoạch và ưu tiên hạng mục nào trước, hạng mục nào sau. Huyện cũng đã lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn để triển khai xây dựng cơ sở vật chất để di dời tập trung, xây dựng nhà tránh lũ, tái định cư.
"Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và đã xã hội hóa một số nhà chống lũ cho đồng bảo ở Hưng Trạch, Phúc Trạch… nhưng thực tế thì vẫn chưa thấm vào đâu, hàng nghìn hộ dân vẫn sống trong cảnh bất an mỗi khi mùa mưa bão đến", Chủ tịch huyện Bố Trạch chia sẻ.
Trước thực tế khó khăn về nguồn lực, tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt...
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là rất sát với nhu cầu cấp bách của thực tế, nhưng khi áp dụng vào thực tế, các địa phương cũng đang phải “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp. Và như thế, việc ưu tiên nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện các dự án theo tính chất và mức độ nguy hiểm… còn tùy thuộc vào kinh phí từng địa phương, tùy thuộc vào năng lực và nhận thức của lãnh đạo cơ sở.