Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Di dân xen ghép - Giải pháp mang lại lợi ích kép

Hoàng Quý - 16:23, 20/11/2020

Để ứng phó với thiên tai, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chuyển hướng từ tái định cư theo dự án tập trung quy mô lớn, sang hình thức tái định cư xen ghép. Nhờ đó, người dân di chuyển đến nơi ở mới nhưng không phải xa quê hương, còn tỉnh cũng giảm áp lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư mới.

Trẻ em Trạm Tấu (Yên Bái) vui chơi tại nơi ở mới, an toàn
Trẻ em Trạm Tấu (Yên Bái) vui chơi tại nơi ở mới, an toàn

Thôn Đại Thắng, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) có một xóm nhỏ mới được thành lập từ năm 2017, với 6 hộ dân. Đây là những hộ dân sinh sống ở thôn 3 (xã Đại Phác) di dời về để tránh nguy cơ sạt lở đất.

Được biết, trước đây, khu đồi cao phía sau nhà ở của các hộ này có vết nứt rất lớn nên UBND xã Đại Phác lập tức đã thông báo, tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo đó, xã cũng bố trí địa điểm tái định cư cho cả 6 hộ liền nhau tại vị trí mới cách nơi ở cũ 1,2 km thuộc thôn Đại Thắng. Đến nay, các hộ dân đều đã có cuộc sống ổn định, yên tâm làm ăn kinh tế.

Anh Hoàng Mạnh Tường, người dân di dời tái định cư về đây cho biết, trước kia sinh sống ở sườn núi cao, anh cũng như các gia đình khác luôn lo lắng về nguy cơ sạt lở đất mỗi khi trời mưa.

“Khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đến nơi ở mới, gia đình tôi rất mừng, nhà mới gần đường giao thông, ngoài việc làm nương, chúng tôi có điều kiện đi lao động, buôn bán nông sản ở ngoài huyện. Con cái cũng thuận tiện hơn trong học hành”, anh Tường chia sẻ.

Theo ông Hoàng Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phác, để lựa chọn vị trí tái định cư xen ghép, địa phương quan tâm tới các yếu tố: khu dân cư đông, bám trục đường giao thông chính của xã, có điện lưới, có nguồn nước tự nhiên, đặc biệt thôn Đại Thắng 100% dân tộc Tày sinh sống nên phù hợp với 6 hộ chuyển đến cũng đều là người Tày.

Người dân Trạm Tấu được tái định cư, yên tâm phát triển kinh tế
Người dân Trạm Tấu được tái định cư, yên tâm phát triển kinh tế

Hay như ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái), địa phương thường xuyên phải chịu thiệt hại do thiên tai gây ra cũng chủ trương thực hiện, bố trí các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm xen ghép vào các khu dân cư có sẵn.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã sử dụng 1,22 tỷ đồng hỗ trợ 61 hộ gia đình trên địa bàn 10 xã thực hiện di dân xen ghép; tiếp nhận gần 2 tỷ đồng gồm tiền mặt, hàng hóa để cấp phát kịp thời, đúng đối tượng; giúp đỡ xây dựng mới 37 ngôi nhà; di chuyển, sửa chữa 141 nhà và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết, để làm được điều đó, chính quyền địa phương đi tìm đất cho các hộ dân. Khi tìm được đất thì vận động người dân hiến đất hoặc đổi đất ở lấy đất sản xuất cho những hộ thuộc diện di cư. Cách làm này đã thể hiện sự đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống "tương thân tương ái”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sẻ chia, giúp đỡ bằng cách hiến đất ở, đất sản xuất cho người dân bị thiệt hại.

Thời gian qua, Yên Bái đã sắp xếp ổn định cuộc sống cho trên 2.240 hộ; hỗ trợ khắc phục, di dời an toàn trên 2.285 nhà bị ảnh hưởng; khắc phục trên 110 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng với tổng kinh phí đã huy động trên 946 tỷ đồng. Đây là những mô hình cần nhân rộng trong thực hiện chính sách bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đồng thời cũng là bài học cho hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên khắp cả nước.



Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.