Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cao Bằng: Nhiều hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở

Công Hải - Mạnh Cường - 21:06, 09/11/2020

Từ năm 2013 - 2019, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 400 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét đã được hỗ trợ kinh phí đến nơi ở mới. Năm 2020, qua khảo sát sơ bộ, vẫn còn 177 hộ nằm trong vùng không an toàn, cần phải di dời nhà ở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã trình xin UBND tỉnh cấp kinh phí cho các huyện để hỗ trợ sớm cho người dân.

Cao Bằng: Nhiều hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở
Khu vực đất sạt lở tại khu đồi phía sau khu tập thể Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, TP. Cao Bằng (Ảnh: TL)

Nỗi lo của người dân vùng sạt lở

19 giờ ngày 7/9/2020, chỉ sau một trận mưa lớn, hàng chục hộ dân ở các xóm Cốc Phja, Pàn Kèn, Đông Sằng, Khuổi Khoang, xã Quang Trung (huyện Hòa An) bị đất đá sạt trượt từ các đỉnh đồi tràn xuống nhà. Chỗ sạt nhỏ vài khối, chỗ sạt lớn đến hàng trăm khối, gây hoang mang, lo sợ cho các hộ dân.

Ông Lý Văn Hữu, xóm Khuổi Khoang cho biết: “Mưa lớn làm hàng trăm khối đất ở đỉnh đồi sau nhà sạt xuống. Tất cả các chân cột nhà tôi đều bị xê dịch đi hơn 1m. Đêm đó, cả gia đình tôi phải chạy, di chuyển đồ đạc, ra ngủ ngoài lán để đảm bảo an toàn. Hiện nay, căn nhà sàn đã bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa. Gia đình mong muốn địa phương hỗ trợ để gia đình sớm di dời sang nơi ở mới”.

Cao Bằng: Nhiều hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở 1
Những hộ đang sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao ở Cao Bằng mong muốn được hỗ trợ để di chuyển đến nơi ở an toàn

Trước đó, từ đêm 16/8 đến ngày 18/8/2020, trên địa bàn huyện Bảo Lạc xảy ra mưa to, gió lớn khiến 5 nhà dân bị thiệt hại. Trong đó, 1 nhà ở xã Cô Ba bị đất đá sạt lở xuống nhà làm gãy cột, kèo, đổ vỡ mái ngói, nguy cơ sập đổ hoàn toàn; 1 nhà tại xã Cốc Pàng bị sạt taluy dương khiến đất đá sạt lở xuống nhà làm gãy cột, kèo, xô nghiêng nhà, đổ vỡ mái ngói, nguy cơ sập đổ; tại xã Đình Phùng 1 nhà bị nứt nền nhà ở và 2 nhà bị lở taluy dương. Mưa lớn kéo dài cũng đã gây sạt lở tuyến đường giao thông liên xã và nhiều tuyến đường liên xóm.

Tại huyện Bảo Lâm, tháng 4/2020, sau trận mưa lớn, vài chục khối đất đá sạt trượt xuống đằng sau nhà, vùi lấp nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu của gia đình ông Chảo Phụ Nhàn, xóm Nà Ca, thị trấn Pác Mjầu. Mặc dù rất muốn di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, nhưng do điều kiện kinh tế, gia đình ông Nhàn không thể tìm được mặt bằng, không có kinh phí để dựng nhà mới, nên đành tiếp tục chấp nhận ở lại, sống chung với nỗi lo sạt lở đất đá.

“Những trận mưa to về đêm, cả nhà tôi không ai dám ngủ, cứ thấp thỏm vì sợ đất, đá tràn xuống có thể sẽ vùi lấp cả căn nhà”, ông Nhàn cho biết.

Khó di dời dân vì thiếu kinh phí

Theo ông Ban Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm: Từ năm 2015 - 2019, huyện Bảo Lâm đã rà soát, hỗ trợ hơn 100 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn di dời đến nơi ở mới. Đến hết tháng 8/2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã cấp kinh phí để huyện hỗ trợ cho 33/40 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, mỗi hộ 20 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, địa hình huyện đa số là đồi núi dốc, thiếu quỹ đất ở, người dân còn nhiều khó khăn, kinh phí hỗ trợ thấp, nên người dân rất khó để di dời đến nơi ở mới.

Cao Bằng: Nhiều hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở 2
Vụ sạt lở đất ngày 21/5, tại xóm Lũng Sươn xã An Lạc, huyện Hạ Lang, vùi lấp 1 nhà dân, tài sản, hoa màu, ao cá và 50m đường Tỉnh lộ 207

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết: Với những diễn biến phức tạp của thời tiết đã được dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan như lũ ống, lũ quét, lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại các địa phương trong tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu mặt bằng, kinh phí hỗ trợ còn thấp, trong khi các hộ dân đa số là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh rất khó khăn.

Hiện nay, việc di dân khỏi nơi nguy hiểm tại Cao Bằng đang gặp khó khăn từ hai phía, bao gồm cả nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, người dân thường là hộ nghèo, cùng với đó là quỹ đất ở và đất sản xuất cho di dân lại khan hiếm, nên việc di dân đến nơi sống an toàn vẫn phải theo hướng ưu tiên cho những hộ dân trong diện nguy cơ cao.

Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, 10 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 17 đợt thiên tai (4 đợt lở đất, đá; 13 đợt lốc, mưa đá, sét, mưa lớn, lũ quét). Thiên tai đã làm chết 3 người, bị thương 3 người; hơn 6.000 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 755 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại từ các đợt thiên tai hơn 75 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động lực lượng, vật tư, kinh phí trên 13 tỷ đồng, hơn 2.200 ngày công lao động để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, di dời nhà ở, giúp nhân dân sửa chữa nhà ở, ổn định sản xuất, đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.