Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Những Dự án di dân khẩn cấp với tiến độ “rùa bò”- "Sống treo" cùng dự án (Bài 2)

Thanh Hải - 14:20, 12/10/2020

Nhiều dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai được chủ đầu tư vẽ nên viễn cảnh như mơ nhưng nhanh chóng “đắp chiếu” đã đẩy người dân và chính quyền vùng dự án vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Hết năm này sang năm khác, họ phải khốn khổ “sống treo” cùng dự án mà chưa có lối thoát.

Những hạng mục hạ tầng hoang lạnh tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương
Những hạng mục hạ tầng hoang lạnh tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương

Những dự án “đắp chiếu”… một thập kỷ

Một trong những dự án đình đám nhất về việc di dân khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai là Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) mẫu cho người dân vạn chài ở Khe Mừ, huyện Thanh Chương, do Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Khởi công năm 2010 với tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 80 tỷ đồng, Dự án nhằm phục vụ chỗ ở TĐC cho khoảng 41 hộ dân vạn chài ở thôn Vận Tải, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Nhưng sau 10 năm, Dự án vẫn còn ngổn ngang. Trong khi đó, hàng chục hộ dân vạn chài vẫn đang ngày ngày đối mặt với cuộc sống lênh đênh sông nước.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Huyện rất vất vả trong việc giải quyết các hệ lụy do Dự án thi công chậm tiến độ, bởi người dân thấy đất Dự án bỏ hoang đã lấn chiếm trồng chè, keo. Chúng tôi rất mong Dự án sớm hoàn thành để những hộ dân vạn chài sớm an cư và bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cũng đang trở thành bãi đất hoang mọc đầy cỏ dại. Ngốn 63,5 tỷ đồng, Dự án khởi công năm 2011 với mục đích bố trí chỗ ở mới cho 56 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét nhưng đang phải “đắp chiếu” gần 10 năm qua. Ngày tiếp ngày, người dân xã Lạng Khê, huyện Con Cuông phải “sống treo” cùng Dự án.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho hay: Dự án mới chỉ thi công được một số hạng mục hạ tầng, phải tạm dừng do thiếu vốn. Dự án di dân khẩn cấp nhưng gần 10 năm chưa thể di dân được. Với thực tế chậm tiến độ, người dân là đối tượng khốn khổ nhất.

Địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét mùa mưa bão; nhu cầu về bố trí ổn định dân cư ở Nghệ An rất lớn. Tuy nhiên, chương trình bố trí dân cư trong giai đoạn 2011 - 2018, toàn tỉnh mới chỉ bố trí được 9,97% so với nhu cầu (đến 2015) và so với nhu cầu dự kiến đến 2020 mới đạt 25,42%.

Khu vực bố trí TĐC cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai của xã Lạng Khê, huyện Con Cuông vẫn đang là bãi đất hoang
Khu vực bố trí TĐC cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai của xã Lạng Khê, huyện Con Cuông vẫn đang là bãi đất hoang

Đến nay, tỉnh Nghệ An đang có 13 dự án bố trí dân cư khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai thực hiện dở dang tại TP. Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Hưng Nguyên, Quế Phong, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương. Tại một số dự án, đơn vị thi công đã đầu tư một số hạng mục nhưng sau nhiều năm bỏ hoang đã bắt đầu xuống cấp gây lãng phí đất, lãng phí tiền của đã đầu tư. Thực hiện các dự án, nhà đầu tư đã vẽ nên viễn cảnh “như mơ”, nhưng sau nhiều năm đã trở thành những chiếc “bánh vẽ”, làm mất niềm tin và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đâu là giải pháp?

Trong rất nhiều lý do nói về dự án “treo”, người ta thường đề cập nhiều đến nguyên nhân thiếu vốn, vướng mặt bằng... Tại Nghệ An, những dự án bố trí di dân “ì ạch” là do nguồn vốn được bố trí, hỗ trợ hàng năm còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, địa bàn bố trí dân cư tập trung chủ yếu ở vùng xa, vùng không thuận lợi (do điều kiện tự nhiên và quỹ đất), yêu cầu kinh phí lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu TĐC, trong khi nguồn vốn đầu tư của Trung ương là chủ yếu, chưa huy động được các nguồn vốn khác, do đó thời gian thực hiện dự án thường kéo dài. Việc chậm triển khai hoặc triển khai không dứt điểm đã làm tăng kinh phí đầu tư theo thời gian cũng đã góp phần làm cho dự án không hoàn thành theo kế hoạch.

Theo kết quả điều tra tại các địa phương và số liệu báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn Nghệ An, tổng số vốn đã đầu tư bố trí ổn định dân cư từ năm 2011 đến 2018 là 496,494 tỷ đồng, đạt 38,57% mục tiêu quy hoạch đến 2020. Một dẫn chứng cho thấy, 13 dự án thực hiện dở dang với tổng số vốn thực hiện là 124,496 tỷ đồng/752,767 tỷ đồng (vốn được duyệt) đã cho thấy khả năng cân đối ngân sách không đáp ứng được nhu cầu dẫn tới dự án đổ bể.

Một góc khu TĐC Khe Mừ xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương
Một góc khu TĐC Khe Mừ xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương

Một trong những vấn đề bất cập dẫn tới việc di dân khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai còn nhiều khó khăn là do các địa phương đang tập trung cho các dự án bố trí dân cư tập trung (có mức đầu tư lớn, chủ yếu là nguồn đầu tư phát triển); trong khi mô hình di dân xen ghép phù hợp với điều kiện, khả năng ở địa phương (địa hình, đất đai, phong tục tập quán, ngân sách...) hay bố trí ổn định tại chỗ (chủ yếu vốn sự nghiệp) còn ít được quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng: Không phải do đầu tư dàn trải. Những dự án này được phê duyệt trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực. Thời đó, do nhu cầu cấp bách về bố trí dân cư, do nguồn vốn thực hiện dự án không yêu cầu phải cân đối, do không làm chặt chẽ dẫn tới dự án dở dang. Ở thời điểm hiện tại, nếu dự án được phê duyệt thì làm gì có chuyện đó?

Cũng theo ông Lương, Thường trực HĐND tỉnh đã vào cuộc giám sát các dự án dở dang và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, sớm có giải pháp tổng thể để báo cáo lãnh đạo tỉnh xem xét.

Nhìn từ thực tế hiện tại, với nguồn kinh phí còn thiếu rất lớn, rất khó để các dự án nêu trên khởi động trở lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai tiếp tục “sống treo” cùng dự án.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đang có 13 dự án bố trí dân cư khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai thực hiện dở dang tại TP. Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Hưng Nguyên, Quế Phong, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương. Tại một số dự án, đơn vị thi công đã đầu tư một số hạng mục nhưng sau nhiều năm bỏ hoang đã bắt đầu xuống cấp gây lãng phí đất, lãng phí tiền của đã đầu tư.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.