Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sự ì ạch của một dự án khẩn cấp

PV - 17:05, 13/03/2019

Khu tái định cư (TĐC) bản Quắn, xã Liên Hợp và bản Pật thuộc Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được thực hiện từ năm 2011. Đến nay, ngoài những hạng mục chính đã hoàn thành, các hộ dân đã đến ở nhưng hàng loạt các công trình phụ trợ như đường giao thông, điện, nước… chưa được thực hiện. Cuộc sống người dân tại khu TĐC gặp rất nhiều khó khăn...

Bản Quắn, xã Liên Hợp và bản Pật, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp) trước đây nằm sát ở bờ khe Đục. Khi mùa mưa lũ thường xuyên phải đối diện với cảnh ngập lụt, sạt lở đất và nguồn nước bị ô nhiễm do khai thác quặng ở phía thượng nguồn khe Đục. Để đảm bảo an toàn cho cuộc sống 73 hộ dân nơi đây, năm 2010 chính quyền huyện Quỳ Hợp đã xây dựng kế hoạch TĐC cho các hộ dân thuộc 2 bản gồm bản Quắn và bản Pật.

Dự án di dân và xây dựng khu TĐC do UBND huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 gần 19 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 80% để thực hiện các hạng mục như chính san lấp, làm nhà, hỗ trợ di dời…; ngân sách địa phương và các nguồn huy động 20% để xây dựng các hạng mục phụ trợ như cầu tràn và một số cống, kè và mương thoát nước, đường lên khu tái định cư; hệ thống điện, nước…

Đường vào bản Quắn, nham nhở, dốc cao khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đường vào bản Quắn, nham nhở, dốc cao khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Hiện, giai đoạn 1 đã kết thúc và có 33 hộ dân chuyển về khu TĐC sinh sống. Tuy nhiên, do các công trình phụ trợ chưa được thực hiện, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, do đó số hộ dân trong Dự án cần di dời khẩn cấp vẫn chưa chuyển về Khu TĐC để sinh sống.

Bà Lô Thị Lan, người dân sống trong khu TĐC bản Quắn bộc bạch: Sống chỗ cũ thì lo ngập lụt nhà trôi, sạt lở. Về nơi mới thì không điện, không đường, nước sinh hoạt cũng không có. Bà con ở đây phải góp tiền, mua ống dẫn nước từ núi cao về rồi luân phiên chuyển đường ống nước đến từng nhà hứng vào bể để dùng. “Dẫu sao ở thời điểm này cũng đang có nước mà sinh hoạt. Ít ngày nữa, khi trời nắng, khô hạn, nước nguồn cạn kiệt không biết lấy nước đâu mà dùng…”, bà Lan cho biết.

Cùng chung nỗi niềm, chị Vi Thị Mai, bản Pật, xã Châu Tiến cho biết: Đã nhiều lần người dân kiến nghị lên huyện; tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, người dân đã trình bày nguyện vọng này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi về thực tế này, đại diện Ban Quản lý Dự án huyện Quỳ Hợp cho biết: Dự án đã qua vài lần điều chỉnh dự toán, đến năm 2016, với tổng kinh phí lên hơn 19,6 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là di dời khẩn cấp 73 hộ dân ở bản Quắn, xã Liên Hợp và bản Pật, xã Châu Tiến. 2 khu tái định cư ở xã Châu Tiến và xã Liên Hợp đã hoàn thành được công tác san lấp mặt bằng, nhưng về phần kinh phí thì đang nợ các nhà thầu trên 5,4 tỷ đồng; còn việc đầu tư hạ tầng cơ sở thì vẫn chưa được bố trí vốn nên mọi việc thi công phải dừng ở đây.

Trước những bức xúc của người dân ở các khu TĐC, năm 2018, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực trạng xây dựng khu TĐC bản Quắn và bản Pật; qua đó chỉ rõ những hạn chế của huyện Quỳ Hợp đó là: chưa chủ động phối hợp với các ngành cấp tỉnh để tranh thủ, vận động các nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc, chỉ đạo của huyện chưa tốt; các sở, ngành chuyên môn chưa kiểm tra chặt chẽ để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; chưa bố trí vốn phù hợp cho dự án dẫn đến tình trạng chậm trễ trong thi công, gây bức xúc trong dư luận…

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Quỳ Hợp cần huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục thiết yếu để ổn định cuộc sống cho người dân…

Mặc dù, người dân phản ánh, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo nhưng đến thời điểm hiện nay, khu TĐC bản Quắn và bản Pật vẫn dậm chân tại chỗ. Không biết bao giờ người dân sống ở đây được an cư? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp giải đáp cho người dân.n

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.