Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Đăk Glei (Kon Tum): Nỗi lo mùa mưa bão

Thùy Dung - 21:24, 14/11/2020

Huyện Đăk Glei (Kon Tum) là địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa bão xảy ra trong những ngày qua; nhiều nơi sạt lở, đường xá hư hỏng nặng,… Đặc biệt, trên địa bàn huyện đang có rất nhiều hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp.

Những ngôi nhà sống ở khu vực chân núi đều thấp thỏm nỗi lo khi mùa mưa về
Những ngôi nhà sống ở khu vực chân núi đều thấp thỏm nỗi lo khi mùa mưa về

Đường hư càng thêm hỏng

Tại tuyến đường DH 81 và DH 83 trên địa bàn xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng nhiều năm qua khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Do mưa bão, hiện các tuyến đường hầu hết đã xuất hiện nhiều hố nước lớn, có chỗ sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. Đặc biệt, vừa qua do ảnh hưởng của bão lũ khiến mưa lớn kéo dài, nước dâng làm cho cây cầu bắc qua sông Pô Kô ngay trước UBND xã Đăk Nhoong bị gãy một đoạn, chia cắt với các vùng lân cận.

Ông A Nhập, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết, để khắc phục, chính quyền địa phương và Nhân dân đã làm 1 chiếc cầu tạm. Ngoài ra còn tuyến đường DH 83 nối từ xã Đăk Nhoong qua xã Đăk Plô cũng có hàng chục điểm sạt lở. Nhiều đoạn sụt lún, chính quyền địa phương đã đổ hàng chục m3 đá phục vụ việc đi lại tạm thời.

Cây cầu bắc qua sông Pô Kô bị “đứt” một đoạn, người dân phải bắc cầu tạm bằng ván để di chuyển qua lại
Cây cầu bắc qua sông Pô Kô bị “đứt” một đoạn, người dân phải bắc cầu tạm bằng ván để di chuyển qua lại

“Vì là tạm thời nên chúng tôi thấy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Con đường đã xuống cấp rất nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, đặc biệt là học sinh khi tham gia giao thông. Địa phương đã nhiều lần đề xuất lên các cấp chính quyền tuy nhiên con đường vẫn chưa được đầu tư xây dựng”, ông Nhập cho biết.

"Người dân địa phương đã phải nhiều năm sống trong nguy cơ lở núi khi mùa mưa về. Huyện đang cho đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra tình trạng sạt lở để lên phương án di dời dân".

Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei

Theo bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, tuyến đường DH 81 và DH 83 đã được đầu tư xây dựng hơn 20 năm nay. Đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với 2 xã biên giới và 3 Đồn biên phòng. Tuyến đường này cũng phục vụ di chuyển của hơn 1.000 hộ dân. Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng, tuyến đường này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đường hư đã khiến giao thông qua lại bị cản trở và nguy hiểm cho người lưu thông. Người dân cũng kiến nghị nhiều lần nhưng đây là những tuyến đường lớn, không chỉ sử dụng đi lại, phát triển kinh tế mà còn phục vụ việc tuần tra, kiểm soát của 3 Đồn biên phòng. Chính vì vậy, huyện không đủ kinh phí để sửa chữa. Đơn vị rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ địa phương khắc phục tuyến đường trên để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thấp thỏm lo âu

Ngoài hệ thống giao thông bị hư hỏng thì điều đáng lo nhất hiện nay là trên địa bàn huyện Đăk Glei còn có rất nhiều hộ dân đang sinh sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Chị Phạm Thị Thương, một người dân ở thị trấn Đăk Glei thông tin: Nhà chị nằm dưới chân núi nên cũng rất lo sạt lở mỗi khi mưa xuống.

“Mình đã từng thuê máy múc về đào đi nhưng chính quyền không cho vì vi phạm luật khoáng sản. Sống mãi trong lo âu và thấp thỏm mãi cũng không được nên chúng tôi rất mong chính quyền có biện pháp để giúp chúng tôi”, chị Thượng cho hay.

Những ngôi nhà bị thiệt hại ở xã Đak Pek từ bão số 9 đến nay vẫn chưa được khắc phục
Những ngôi nhà bị thiệt hại ở xã Đak Pek từ bão số 9 đến nay vẫn chưa được khắc phục

Tương tự, hộ gia đình anh Hoàng Văn Trung, ở xã Đăk Pek đã phải tháo chạy trong đêm mưa do cơn bão số 9 vừa qua gây ra. Anh Trung cho biết: “Căn nhà tôi vốn nằm dưới chân của ngọn núi với chiều cao 20m. Khi nghe tiếng nổ lớn và tiếng đất đá đổ ầm ầm, người dân nơi đây chỉ kịp bồng bế con cái và kéo nhau tháo chạy.”

Trường Mầm non xã Đăk Pek cũng nằm trong khu vực nguy hiểm. Cơn bão số 9 đã làm cho quả núi phía sau bắt đầu lở, đất đá đã đổ tràn vào khu nhà ở nhân viên và bếp ăn. Tuy nhiên, nhờ có bức tường bê tông nên đã chặn lại đường 1 phần đất đá.

Bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pek, cho biết trong cơn bão số 9 vừa qua, 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. "Ở xã này có nhiều nhà dân nằm trong vùng sạt lở rất nguy hiểm. Những ngày mưa bão chúng tôi phải kêu gọi họ di dời đến nơi an toàn", bà Lý nói.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.