“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Trận lũ tháng 8/2018, đã gây sạt lở nghiêm trọng dọc hai bên bờ dòng sông Nậm Nơn, thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Nước lũ đã gây xói lở, cuốn trôi nhiều nhà cửa của nhiều hộ dân xuống dòng nước đục ngầu.
Trước thực tế này, để an cư, UBND huyện Tương Dương đã lập đề án TĐC, và làm chủ đầu tư dự án bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại các bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (Tương Dương). Tổng kinh phí mà UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư, là hơn 7,3 tỉ đồng, thời gian thực hiện 5 tháng.
Theo đó, khi dự án hoàn thành sẽ có 17 hộ dân ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh được bố trí chỗ ở khỏi khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi điểm TĐC còn thi công dở dang, thì đã lại xuất hiện vết nứt lớn, buộc chủ đầu tư phải dừng lại.
Qua quan sát của chúng tôi, dự án xây dựng điểm TĐC khẩn cấp cho các hộ dân bản Xốp Mạt và Minh Phương đã thi công xong đường lên xuống, hệ thống kè mái taluy âm và dương. Trên khu vực TĐC, đã có 1 hộ dân là ông Vi Văn Tạo dựng xong nhà, nhưng không dám ở, đành phải đi ở tạm tại khu vực dốc Họ cách đó không xa.
"Nhà ta bỏ nhiều tiền thuê người dựng nhà đấy. Mất nhiều ngày mới xong nhưng không ở được. Vì sạt lở nên phải bỏ nhà mới đến nơi khác ở tạm", ông Vi Văn Tạo cho biết
Gia đình ông Lục Văn Thắng có 4 nhân khẩu, cũng đang sống cảnh tạm bợ bên mái taluy âm của dòng Nậm Nơn. Ông Thắng nói: Gần 4 cái tết rồi, nhà ta vẫn ở tạm bợ đấy. Khi dự án gần xong, ta bốc thăm đất và đã dựng tạm khung nhà lên khu TĐC rồi. Nhưng đất bị sạt lở nên nhà ta không dám lên, lại quay về ở chỗ tạm thôi.
Tương tự, trong căn lều tạm bên dòng Nậm Nơn, bà Lô Thị Thu đang nhóm lửa chuẩn bị bữa cơm trưa. Bà Thu buồn bã: nhà ta có 6 khẩu, trước đây sống tại khu vực gần cầu treo Xốp Mạt. Lũ năm 2018, khiến nhà cửa bị sạt lở nghiêm trọng, phải di dời ra khu vực ven Tỉnh lộ 534B nằm bên sông Nậm Nơn ở tạm. Ta cũng muốn có chỗ ở an toàn để ổn định cuộc sống…
Phương án xấu nhất là hủy bỏ
Hiện tại, ở điểm TĐC này, mái taluy dương từ trên đỉnh núi đã bị trượt xuống, đồng thời xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân không dám lên ở. Còn chính quyền địa phương cũng chưa bố trí đất để các hộ dân dựng nhà cửa, mà chờ phương án khắc phục sửa chữa đến khi đảm bảo an toàn bền vững mới di dân lên.
Mặc dù thời gian thực hiện của dự án là 5 tháng, kể từ ngày khởi công, nhưng do địa hình khó khăn, thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng đến giải pháp thi công, chậm tiến độ. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2020, trên địa bàn huyện liên tiếp chịu ảnh hưởng các cơn bão số 5, số 7 và số 9, đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài làm cho địa điểm xây dựng khu TĐC xuất hiện vết nứt lớn có nguy cơ sạt lở cao.
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Vi Đình Phúc thành thật: Do nhà cửa bị sạt lở vì lũ, nên hiện các hộ dân đang sống rải rác dọc sông Nậm Nơn, một số thì ở nhờ nhà anh em. Người dân rất bức bách về nhà ở. Mỗi mùa mưa lũ đổ về là mỗi lần xã lo ngay ngáy.
Lẽ ra, ở thời điểm hiện tại, 17 hộ dân đã được đưa đến nơi ở mới. Nhưng vì địa chất điểm TĐC đang xây dựng, tiếp tục bị sạt trượt khiến cho người dân lại phải tiếp tục chờ đợi. Mỗi mùa mưa bão trôi qua, người dân lại thấp thỏm, bất an.
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cũng bộc bạch: "Chúng tôi biết người dân rất bức bách về chỗ ở nhưng xã cũng chịu vì không có nguồn lực. Có hộ còn đề xuất xã cho làm nhà ven sông nhưng ven sông, suối cũng là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, không thể xây dựng nhà cửa được.".
Liệu có thể chọn một vị trí khác để xây dựng điểm TĐC mới hay không? Chúng tôi hỏi và ông Phúc khẳng định là rất khó. “Tiếng là địa bàn miền núi, đất đai rộng nhưng thực tế đây lại là núi cao, có độ dốc lớn, vì thế rất khó để chọn được vị trí phù hợp”, ông Phúc nói.
Một khó khăn khi triển khai xây dựng điểm TĐC này là, kinh phí được bố trí chưa đủ so với dự toán. Tổng kinh phí được phê duyệt hơn 7,3 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ mới bố trí được gần 2,5 tỷ đồng. Chưa kể việc xảy ra sạt lở, và vết nứt lớn ngay trên đỉnh của khu TĐC, khiến cho chi phí sửa chữa có thể đội lên. Phương án xấu nhất là có thể phải hủy bỏ điểm TĐC này.
Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Tương Dương thì, hiện tại huyện đang tiếp tục theo dõi diễn biến của các vết nứt, vết sạt trượt, chờ đến thời điểm ổn định, sẽ đề xuất phương án sửa chữa, đến khi hoàn thành và không có bất cứ nguy hiểm nào nữa thì mới chuyển dân vào ở.