Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid - 19: “Nguy cơ kép”- nỗ lực phải gấp đôi

Hiếu Anh - 17:47, 31/05/2021

Hiện nay, các địa phương miền núi phía Bắc đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, kéo theo đó là nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Không những vậy, các địa phương đang phải căng mình phòng chống dịch bệnh Covid 19. Để ứng phó với “nguy cơ kép”, lực lượng chức năng cũng phải nỗ lực gấp 2 thậm chí gấp 3, 4 lần so với bình thường.

Người dân gia cố mái nhà, chuồng trại trước mùa mưa bão
Người dân gia cố mái nhà, chuồng trại trước mùa mưa bão

Tuyên truyền tới từng hộ dân

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn hiện nay có 11 thôn bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Do đặc thù người dân sống men các bờ suối và sườn đồi dốc nên nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét rất cao.

Sự việc vào tháng 8 / 2020, tại bản Đán Đanh của xã  từng xảy ra lũ quét khiến 2 cháu là S.T.D. sinh năm 2003 và cháu G.T. L., sinh năm 2009, thiệt mạng. Năm nay mùa mưa bão đã đến lúc dịch Covid - 19 diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn xã Mường Tùng chưa có trường hợp F0, nhưng đã có 30 trường hợp F1 và 36 trường hợp F2. Do đó, chính quyền xã đang tập trung phòng chống dịch bệnh, nhưng không lơ là đề phòng thiên tai.

Để làm tốt nhiệm vụ này, chính quyền xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Mặc dù địa bàn xã rất rộng, bản xa nhất cách trung tâm tới hơn 40 cây số đường đồi núi, nhưng cán bộ vẫn nỗ lực tới từng thôn bản tuyên truyền chuẩn bị ứng phó thiên tai.

Đồng thời, lực lượng chức năng tích cực tiến hành khử khuẩn, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác đề phòng dịch bệnh. Cán bộ xã cũng tới tận các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ở các sườn núi dốc và nguy cơ lũ quét ở ven suối, để vận động người dân di chuyển tới nơi an toàn.

Còn tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, nơi đang là điểm nóng của dịch Covid - 19, nhưng chính quyền không lơ là với công tác phòng chống thiên tai. Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, thông tin: Chiều 27/5, trên địa bàn có thêm 10 ca mắc Covid - 19, nâng tổng số ca mắc ghi nhận trên địa bàn huyện đến ngày 28/5 là 46 ca. Theo đó, lực lượng chức năng tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, không vì đó mà công tác phòng chống thiên tai bị lơ là.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chủ động kiện toàn bộ máy và chủ động xây dựng kịch bản “4 tại chỗ” trong tình hình dịch bệnh năm 2021. Đó là chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Phương châm “4 tại chỗ” này cũng phải gắn liền với chương trình 5k giãn cách của Bộ Y tế nhằm đảm bảo phòng chống dịch trong phòng chống thiên tai.

Nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở rất cao
Nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở rất cao

Sẵn sàng ứng phó

Chia sẻ về vấn đề này tại buổi tọa đàm "Công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid - 19, từ công tác chỉ đạo, điều hành tới việc triển khai ở thực tế địa phương" vào 18/5 mới đây, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, mùa mưa bão đến trong bối cảnh dịch Covid - 19 đã gây ra rất nhiều khó khăn. 2 yếu tố này cùng lúc tác động gây áp lực cho lực lượng chức năng trong việc giúp người dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra. Việc diễn tập phòng, chống thiên tai, thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...cũng gặp nhiều rào cản.

Để ứng phó tình trạng này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để đảm bảo các phương án vừa an toàn dịch bệnh, vừa chủ động phòng, chống thiên tai. Theo đó, các địa phương cần căn cứ vào tình hình cụ thể để ứng phó. Trong giai đoạn này, các đơn vị có thể thực hiện việc diễn tập, họp thông qua công nghệ thông tin; tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Đề cập đến diễn biến mùa bão năm 2021, ông Phạm Đức Luận cho hay, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm 2021, lũ quét xảy ra sớm hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Ngoài ra, theo dự báo, mùa mưa bão năm nay có khoảng 12 - 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng tới đất liền nước ta... 

Do vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố vừa cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid 19 vừa cần nêu cao tính chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai.

(Nội dung thông tin truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.