Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại công tác di dân khỏi vùng sạt lở ở Hà Giang: Thành công từ sắp xếp xen ghép và ổn định tại chỗ (Bài 1)

Minh Thu - CĐ - 18:10, 10/05/2021

Giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc di chuyển hàng chục ngàn hộ dân sống ở vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Với việc di dân xen ghép và ổn định tại chỗ, người dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn, đồng thời, giảm tối đa kinh phí đầu tư của Nhà nước.

Một góc khu tái định cư Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên
Một góc khu tái định cư Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên

Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ

Năm 2015, cùng 21 hộ dân khác trong vùng có nguy cơ sạt lở, gia đình chị Thào Thị Sào, thôn Xín Cái, xã Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) được chính quyền hỗ trợ kinh phí di dời đến nơi ở mới an toàn. Với gần 50 triệu đồng tiền hỗ trợ của đề án quy tụ dân cư, gia đình chị Sào được bà con trong thôn, anh em họ hàng giúp đỡ, xây dựng được căn nhà khang trang, vững chãi trên diện tích hơn 100 m2. 

Chỗ đất còn lại đủ rộng để chị trồng các loại rau theo mùa, quây chuồng nuôi thêm gia súc, gia cầm. Từ đó, chị Sào yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

“Về nơi ở mới ngay trong thôn cho nên gia đình tôi không thấy có sự thay đổi lớn nào, không còn nỗi lo sợ mỗi khi mưa bão. Nhà mới gần đường lớn, nên ngoài việc làm nương, vợ chồng chạy đi chạy lại, mua bán rau củ quả nên cuộc sống ổn định”, chị Sào chia sẻ.

Đến nơi ở mới, Nhân dân không còn phải lo về sạt lở đất, lũ quét, cuộc sống ổn định, an toàn hơn trước đây nhiều.

Ông Vàng Kháy ChỉTrưởng thôn Đán Khao, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần

Tương tự, trước đây, 32 hộ dân thôn Đán Khao, xã Bản Ngò (huyện Xín Mần) sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao mỗi khi mùa mưa bão đến. Năm 2011, được huyện vận động, hỗ trợ kinh phí, 32 hộ dân với 381 nhân khẩu trong thôn đã di chuyển đến nơi ở mới, an toàn hơn.

Hiện, cả 32 hộ dân ở Đán Khao ổn định tại nơi ở mới theo quy hoạch nông thôn mới với đủ các công trình phụ trợ như: Bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trại. Thôn đã có đường bê tông, trường học, nước sạch và cả trụ sở, sân chơi xanh, sạch, đẹp hơn trước.

Còn tại khu tái định cư Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh (huyện Vị Xuyên), sau 8 năm ổn định cuộc sống từ Dự án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh Hà Giang, đời sống của đa phần người dân đã có những chuyển biến tích cực. Những khó khăn, vất vả ban đầu đã qua; hiện người dân nơi đây có điện, có nước sinh hoạt, 17 hộ dân được cấp 25ha đất canh tác.

Anh Ly Mí Sâu, người dân khu tái định cư Khuổi Pụt, cho biết: "Như gia đình tôi, chịu khó chuyển đổi đất trồng xen canh lúa, ngô, rau màu, trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi nên hiện đã thoát nghèo”.

Giảm chi phí và thời gian thực hiện

Khuổi Pụt, Đán Khao, Xín Cái là ba trong số hàng chục dự án di dân khỏi vùng sạt lở do chính quyền tỉnh Hà Giang thực hiện trong thời gian qua. Báo cáo của Chi cục Kinh tế Hợp tác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang cho thấy: Từ năm 2011 đến 2020, tỉnh Hà Giang thực hiện đề án về quy tụ dân cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ, với tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng. 

Nhờ đó, đã quy tụ được hơn 9.000 hộ dân sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn về sống tập trung tại các thôn, bản. Không chỉ đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, nơi ở mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thuận tiện cho đời sống dân sinh, cho việc phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các hộ về nơi ở mới được hỗ trợ kinh phí di chuyển và làm nhà mới (thấp nhất: 10 triệu đồng/hộ, cao nhất: 50 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, dự án cũng xây dựng một số công trình hỗ trợ cộng đồng, các mô hình tạo sinh kế, phát triển sản xuất, như chăn nuôi bò, dê, trồng cỏ voi, xen canh ngô, lúa để đảm bảo lương thực.

Người dân sống ở các điểm nguy cơ cao về sạt lở trên địa bàn tỉnh Hà Giang cơ bản được chuyển đến nơi ở mới an toàn
Người dân sống ở các điểm nguy cơ cao về sạt lở trên địa bàn tỉnh Hà Giang cơ bản được chuyển đến nơi ở mới an toàn

Một trong những điểm thuận lợi của dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại tỉnh Hà Giang trong thời gian qua là tỉnh đã linh hoạt, bố trí xen ghép các hộ dân tại chỗ. Nhờ hình thức xen ghép tại chỗ cho nên các địa phương không phải điều chỉnh, bố trí đất ở, đất sản xuất mà do người dân tự thỏa thuận, trao đổi với nhau. 

Mặt khác, đất sản xuất tại nơi ở cũ cơ bản vẫn được các hộ canh tác hoặc trao đổi với nhau để có đất sản xuất gần nơi ở mới hơn. Các hộ di chuyển về nơi ở mới được thụ hưởng các công trình phúc lợi của cộng đồng, vừa tốt hơn nơi ở cũ, vừa giúp thay đổi bộ mặt nông thôn; chi phí đầu tư giảm đáng kể so với các dự án bố trí dân cư tập trung.

Theo Vũ Đình Mạnh, Chi cục Kinh tế Hợp tác - Sở NN&PTNT Hà Giang, cho biết: Đề án di dân theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ giúp giảm chi phí và thời gian thực hiện. Kết quả triển khai đã giúp hàng chục nghìn hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, yên tâm ổn định cuộc sống, đóng góp lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong 10 năm qua, với gần 40 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc di dân đến nơi ở mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn: Ðịa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, dân cư thưa thớt. Phong tục, tập quán sinh sống, lao động, sản xuất của đại bộ phận đồng bào DTTS có nhiều nét đặc thù. Tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai lũ ống, lũ quét, mưa đá, giông lốc xảy ra với tần suất và mức độ gây thiệt hại lớn, khó lường cũng là những thách thức trong việc thực hiện các dự án di dân khỏi vùng sạt lở ở Hà Giang, trong khi nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa kịp thời. 

Hiện, toàn tỉnh Hà Giang còn hàng chục ngàn hộ dân sống trong vùng nguy cơ cao về sạt lở, cần bố trí nơi ở mới an toàn. Để giải bài toán này không phải chuyện một sớm một chiều.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.