Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vòng luẩn quẩn đói nghèo ở khu tái định cư Vụ Bổn: 20 năm vẫn chưa thể an cư (Bài 1)

Lê Hường - 12:07, 18/03/2021

Khu tái định cư xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk đã hình thành từ năm 2002, gồm 5 thôn buôn với hàng trăm hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện được đưa về đây sinh sống. Sau gần 20 năm về nơi ở mới, người dân nơi đây vẫn gặp vô vàn khó khăn khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, chưa có lối thoát

Vòng luẩn quẩn đói nghèo ở khu tái định cư Vụ Bổn: 20 năm vẫn chưa thể an cư (Bài 1)

Từng được kỳ vọng là giải pháp hợp lý để đem lại đời sống ổn định cho các hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện Krông Pắk, tuy nhiên, khu tái định cư Vụ Bổn (gồm các thôn buôn Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia và Ea Kal) lại trở thành nỗi bức xúc đối với những người dân nơi đây.

Định cư nhưng khó định canh

Buôn Ea Nông A, được coi là buôn ổn định dân số và phát triển nhất khu tái định cư Vụ Bổn. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của buôn vẫn còn hơn 72%, cao gấp nhiều lần tỷ lệ nghèo bình quân toàn xã.

Ngồi trước cửa nhà, chị H’Sa Niê nhìn đăm chiêu ngoài trời nắng chói chang, lâu lâu có chiếc xe ô tô chạy qua tung bụi đỏ ngầu. Chị H’Sa kể: Mình theo cha mẹ đến đây ở từ năm 2003. Ngày đó, gia đình mình có 8 anh chị em, thuộc diện nghèo của xã, thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất. 

Về khu tái định cư, cả gia đình 10 người chỉ được mấy sào ruộng, nguồn nước phụ thuộc vào tự nhiên, năm nào đủ nước thì đủ lúa ăn, năm nào hạn, thiếu nước thì đói. Mấy anh chị em lớn lên lập gia đình, tách hộ nhưng mà đất sản xuất thì chỉ có vậy, nên bố mẹ cũng không thể chia cho các con.

“Căn nhà này vợ chồng mình mượn của hàng xóm, họ về buôn cũ sinh sống, bỏ không nên mình xin ở nhờ. Ra ở riêng vợ chồng mình không có ruộng rẫy gì hết, chồng mình đi làm thuê ở huyện Ea Súp, tháng về 1 lần, còn mình ở nhà chăm con. Mọi trang trải chi phí của gia đình dựa vào tiền làm thuê của chồng. Mình rất muốn có nhà ở, có đất để làm nhưng mà không có tiền mua nên cứ sống vậy thôi”, chị H’Sa Niê buồn nói.

Ông Y Trưng Niê, Trưởng ban công tác mặt trận buôn Ea Nông A cho biết: Năm 2003, 56 hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã Ea Kênh, được chính quyền đưa đến đây sinh sống, có nhà ở, mỗi hộ được chia từ 2-3 sào ruộng và 2 - 3 sào rẫy tùy theo khẩu. Tuy nhiên, những hộ tách mới không có nơi ở và đất sản xuất, nhà nào bỏ trống thì họ xin ở nhờ. 

Trừ 4 hộ đã quay về buôn cũ, hiện toàn buôn có 72 hộ, trong đó có 52 hộ nghèo. Ở đây có đập thủy lợi, nhưng nguồn nước sản xuất khó khăn lắm, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Năm nào trồng lúa mà mưa ít là mất mùa, đói khổ.

Tương tự, năm 2006, 90 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất của 2 xã Ea Kly và Krông Búk được bố trí về buôn Cư Kniêl, xã Vụ Bổn để ổn định cuộc sống theo Chương trình 134, thì đến nay chỉ còn 67 hộ với 330 nhân khẩu. Ngoài được cấp căn nhà 28m2, mỗi hộ được 1ha đất rẫy. 

Tuy nhiên, đất xấu, bạc màu chỉ trồng được cây mì (sắn) mà năng suất cũng không cao. Trừ chi phí, mỗi năm chỉ thu được từ 15-20 triệu đồng/ha. Vì vậy, đến nay tỉ lệ hộ nghèo chiếm 66%.

Chị H’Yok Niê, Trưởng buôn Cư Knia cho biết: Khu vực này đất đá pha cát, bà con chỉ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, chủ yếu là mì, nhưng năng suất cũng không cao do đây là vùng đất trũng, mưa đến nước dâng cao dễ ngập ứng, thậm chí mùa mưa có thời điểm còn bị cô lập với bên ngoài.

Nhiều buôn thành hoang phế

Vì không thể mưu sinh nên  có những buôn, gần 2/3 số hộ dân đã đi khỏi địa phương, chỉ còn lại những căn nhà cửa khóa, then cài, rêu phong phủ đen, nhiều hạng mục xuống cấp.

Điển hình như buôn Ea Kal, mặc dù ở gần trung tâm xã, nhưng điều kiện sản xuất khó khăn, người dân không trụ nổi phải di tản đi nơi khác, bỏ hoang cả dãy nhà. Buôn có 66 nóc tái định cư nhưng nay chỉ còn 24 hộ, trong đó có 18 hộ nghèo.

Cây mì trồng cả năm đến khi thu hoạch không có củ, củ thối
Cây mì trồng cả năm đến khi thu hoạch không có củ, củ thối

Tương tự, tại hầu hết các thôn buôn khác, tình trạng người dân rời đi cũng nhiều không kém. Người trẻ có sức thì đi làm thuê, làm mướn nơi xa, khu tái định cư hiện giờ chỉ phần lớn người già, trẻ nhỏ...

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn chia sẻ: Toàn xã có 28 thôn, buôn với 4.019 hộ, 13 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 40%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã gần 15%. Khu tái định cư được thành lập từ nhiều năm trước, gồm 5 buôn tập trung người nghèo thiếu đất sản xuất ở khắp các địa phương trong huyện về đây. 

Theo tiêu chuẩn của Dự án, mỗi hộ được bố trí 400m2 đất ở, một căn nhà cấp bốn rộng 28m2 và đất sản xuất gồm 3 sào lúa, 5 sào rẫy. Riêng buôn Cư Kniêl không có đất lúa thì được bố trí 1ha đất rẫy. 

Tuy nhiên, ở vùng tái định cư này khó khăn nguồn nước, hệ thống kênh mương và nguồn nước chưa chủ động, sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên, nên rất khó để canh tác nông nghiệp. Đất đai cằn cỗi, cây trồng kém năng suất nên tỉ lệ hộ nghèo của khu vẫn rất cao.

Gần 20 kể từ ngày khu tái định cư Vụ Bổn được thành lập, người dân nơi đây vẫn chưa thể an cư để lạc nghiệp. Thực trạng này không chỉ làm cho đời sống của hàng trăm hộ dân luôn phải đối mặt với đói nghèo mà còn bộc lộ nhiều bất cập trong khâu quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư cần phải có giải pháp khắc phục.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.