Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những người Dao ở ngã ba sông

Nam Hương - 10:44, 16/02/2021

Nơi ngã ba con sông Đà hùng vĩ, vùng tiếp giáp 3 tỉnh: Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, thuộc địa phận xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) có một dòng tộc người Dao đã định cư, sinh sống từ nhiều đời. Năm tháng qua đi, dòng sông Đà giống như nhân chứng chảy qua miền huyền thoại, với bao hoài niệm từ thủa sinh cơ lập nghiệp đến những đổi thay của đồng bào Dao hôm nay.

Một góc bản người Dao bên dòng sông Đà.
Một góc bản người Dao bên dòng sông Đà.

Giữ gìn văn hóa

Bên dòng sông đã gắn bó cả đời ông cha mình, bà Phàn Thị Ọi (thôn 2, xã Huổi Só) kể cho chúng tôi nghe về lịch sử thiên di, và cuộc sống của người Dao trên mảnh đất này. Những người Dao đầu tiên đi tìm nơi dựng bản cho dòng tộc, khi đến nơi đây phát cỏ cây vô tình đánh rơi chiếc bao đựng dao xuống suối, lúc nhặt lên thì cá đã chui đầy bao. Khi đó vùng đất này cũng có những cây mía dài tới 10 gióng. Nhận định đó là vùng đất giàu tiềm năng, có thể nuôi sống được dòng tộc nên người Dao quyết định dừng lại dựng nhà, lập bản.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là xu thế hội nhập, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Dao đã có sự thay đổi, giao thoa để phù hợp hơn với nhịp sống. Song, không vì vậy mà văn hóa đặc trưng của đồng bào bị lãng quên. Bản sắc dân tộc vẫn đang được lưu giữ trong những bộ trang phục, nếp sinh hoạt, những phong tục tập quán từ ngàn xưa, thể hiện triết lý sống cao đẹp.

Men theo con đường nhỏ uốn lượn dẫn vào các bản người Dao ở xã Huổi Só, chúng tôi gặp từng nhóm phụ nữ trong trang phục truyền thống áo chàm, thêu bằng chỉ đỏ, chỉ xanh và đính các dải tua se bằng sợi tơ tằm màu hồng ở cổ, buông xuống tôn thêm sắc hồng tươi tắn cho gương mặt người phụ nữ; cổ áo và tay áo được may viền vải màu tím. Trên đầu các chị em còn đội khăn vuông vải đen, đeo các loại trang sức, khuyên tai, vòng tay, vòng cổ…

Theo bà Phàn Thị Ọi, người phụ nữ Dao vừa phản ánh cái đẹp, vừa là chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa. Những bộ trang phục truyền thống không chỉ là thước đo cho sự khéo léo, cần mẫn, óc sáng tạo phong phú, tâm hồn lạc quan của người phụ nữ mà còn thể hiện trách nhiệm của họ đối với gia đình, cộng đồng. Bên khung cửi luôn rộn tiếng thoi đưa, các chị em đều tự tay làm từng bước, từ se sợi dệt vải, rồi sau đó mới cắt, may, thêu hoa văn…Cứ thế, từ đời này truyền sang đời khác để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của dân tộc.

Một góc bản người Dao bên dòng sông Đà.
Một góc bản người Dao bên dòng sông Đà.

Trong ngày tết cổ truyền dân tộc Dao, mỗi gia đình người Dao ở Huổi Só đều có tục lệ gói bánh chưng đen do cha ông truyền lại. Những chiếc bánh có màu đen đặc trưng làm từ gạo nếp nương ngâm với nước cốt tro, là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người no ấm. Truyền thống dâng bánh chưng đen cúng tổ tiên, ngoài ý nghĩa cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, còn thể hiện tấm lòng biết ơn, hiếu thuận của con cháu.

Phát triển kinh tế

Sau cuộc di dân vì dòng điện quốc gia, năm 2011, Thủy điện Sơn La dẫn dòng, tích nước, sông Đà đoạn qua địa phận xã Huổi Só dài hơn 30km giờ mênh mông nước. Cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây như được “bồi” thêm sức sống từ việc đánh bắt thủy sản, phát trển kinh tế, giao thương sông nước…

Đứng trên bến Huổi Lóng vào một chiều cuối năm, dưới cái nắng vàng nhẹ trải đều như rót mật, sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn những con thuyền đang nằm nối dài đợi chất hàng, khung cảnh tấp nập kẻ bán, người mua huyên náo một góc hồ… Chủ tịch UBND xã Huổi Lóng - Tẩn A Đạt xúc động nói: “Huổi Só bây giờ thay đổi thật rồi! Không như trước đây cuộc sống của người dân quanh năm chỉ trông vào mấy mảnh lúa, nương ngô. Bây giờ có lợi thế “cận giang” mà nghề đánh bắt tôm, cá phát triển. Đường thủy thuận lợi cũng là điều kiện tốt để “kích cầu” mua sắm thuyền, bè. Chả thế, các hộ ở đây đều chung nhau đầu tư làm vó bè cỡ lớn khai thác thủy sản, đóng cả xuồng, thuyền dịch vụ để vận chuyển hàng hóa”.

Bến Huổi Lóng.
Bến Huổi Lóng.

Anh Tẩn A Đành, bản Can Hồ, xã Huổi Só - người có thâm niên lái xuồng chở thuê từ trước khi xây Thủy điện Sơn La, nay cũng đầu tư vó bè bắt cá, cho biết: Bây giờ nhiều người đánh bắt nên cá không nhiều như ngày mới dâng nước, mỗi đêm kéo được khoảng 5 - 10kg cá, tôm các loại, đêm nào may mắn có thể kéo được vài chục ki-lô-gam. Bình quân mỗi đêm kéo vó cũng thu nhập từ 3 - 5 trăm nghìn đồng. Tôm, cá được lái buôn thu mua tại bến sông từ sáng sớm rồi ngược lên tiêu thụ ở thị xã Mường Lay hoặc xuôi dòng xuống Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Cũng có người từ trung tâm huyện vào mua về bán tại chợ huyện.

Cuộc sống ngày càng khởi sắc và thay đổi hơn với những bản tái định cư người Dao ven sông Đà còn là khi chợ phiên cụm xã Huổi Só được mở ra, họp 3 phiên/tháng. Những ngày phiên chợ, người dân mang ngô, sắn, măng rừng, các loại vật nuôi để bán và mua lại những mặt hàng thiết yếu: Mắm muối, mì tôm, quần áo, giày dép, bột giặt, nông cụ, vật dụng sinh hoạt… Anh Phàn A Chính, thôn 1, xã Huổi Só kể: Chợ phiên ở đây không chỉ là sự phấn khởi của riêng anh mà còn là niềm vui chung của bà con nơi đây. Bởi có chợ mọi người sẽ không còn phải đi mấy chục cây số về thị trấn Tủa Chùa hay chèo thuyền sang xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) mới mua được thực phẩm, đồ sinh hoạt nữa. So với những phiên chợ ở xã khác, hàng hóa về đây cũng không thiếu thứ gì nên những ngày chợ mở, mọi người trong bản lại rủ nhau đi chợ, có tiền thì mua, không có tiền thì đi chơi, đi xem chợ cũng vui.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.