Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giải quyết vướng mắc tái định cư Thủy điện Khe Bố (Nghệ An): Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm

Thanh Nguyễn - 10:35, 15/12/2020

"Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm...", là khẳng định của chính quyền huyện Tương Dương trước thực tế “chây ì” giải quyết hậu tái định cư (TĐC) Thủy điện Khe Bố. Những năm qua, nhiều nội dung và hàng loạt vấn đề còn tồn tại chưa được chủ đầu tư thực hiện, đang đẩy cuộc sống người dân bị ảnh hưởng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà máy thủy điện Khe Bố
Nhà máy thủy điện Khe Bố

Ngổn ngang bồi thường, hỗ trợ TĐC

Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố, với công suất 100MW, khởi công xây dựng từ năm 2007 và tích nước hoạt động từ năm 2013; hàng trăm hộ dân tại các xã Thạch Giám, Thị Trấn, Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang, Yên Thắng, Xá Lượng (huyện Tương Dương) phải di dời TĐC. Tuy nhiên, dù nhà máy thủy điện hoạt động đã 7 năm, nhưng công tác bồi thường, di dân TĐC một số hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thành, còn nhiều tồn tại vướng mắc.

Để triển khai dự án Thủy điện Khe Bố, tổng số hộ dân di dời thực tế là 564 hộ/2.450 khẩu. Số hộ di dân theo nguyện vọng là 29 hộ/117 khẩu. Số hộ được tái định cư tập trung: 330 hộ/1446 khẩu. Số hộ di vén và tự tìm đất ở là 205 hộ/887 khẩu.

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, hiện dự án này đang còn 7 nhóm vấn đề lớn, với hàng chục nội dung nhỏ mà chủ đầu tư chưa thực hiện tại các xã bị ảnh hưởng. Trong đó, 7 nội dung lớn mà chủ đầu tư là Thủy điện Khe Bố chưa thực hiện gồm: Sửa chữa đường quốc lộ 7 tránh ngập lòng hồ; Lề, cống thoát nước và mặt đường nối các bản Đình Hương - Đình Thắng - Đình Tiến bị hư hỏng ; Đường nội bộ trong khu TĐC bản Đình Phong; Đường nội bộ trong khu tái định cư bản Đình Thắng; Đập thuỷ lợi điểm Noong Canh ở bản Đình Phong; Xây dựng nâng cấp cầu khe Dài ở bản Cửa Rào 1 thuộc xã Xá Lượng; Nâng và sửa chữa đường dân sinh bị ngập sau khi tích nước tại khe Mọi của bản Tam Hương xã Tam Quang.

Ngoài ra, còn hàng loạt các vấn đề khác còn tồn tại, tại các bản làng chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong đồng bào vùng bị ảnh hưởng của dự án Thủy điện Khe Bố. Đó là các vấn đề như: Các thửa đất nông nghiệp đã được trích đo địa chính nhưng chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp; Bồi thường đất ở và đất nông nghiệp do bị chồng lấn; Sai lệch đất trên đường viền lòng hồ do tăng dày cắm mốc; Nhiều thửa đất chưa được bồi thường do người dân chưa chấp nhận phương án bồi thường; Nhiều hộ dân đã được giao đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận; Nhiều hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ san lấp; Nhiều thửa đất chưa được đo dạc; Một số hộ bị ngập sau tích nước chưa được đền bù; Chưa giải quyết dứt điểm phương án hỗ trợ do ảnh hưởng xả lũ năm 2018; Chưa sửa chữa đường dân sinh bị ngập sau khi tích nước; Chưa đền bù dứt điểm chênh lệch nơi đi và nơi đến.

Một góc bản TĐC Đình Tiến, xã Tam Đình
Một góc bản TĐC Đình Tiến, xã Tam Đình

Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình, huyện Tương Dương cho biết: Địa phương có 4/7 bản bị ảnh hưởng của thủy điện. Hiện nay, rất nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết như, đối trừ đất ở nơi đi nơi đến, hồ sơ đền bù chưa lập xong, chưa quyết toán đền bù xong… Chúng tôi cũng đã kiến nghị, phản ánh nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tại các cuộc làm việc giữa lãnh đạo huyện Tương Dương và chủ đầu tư là Công ty thủy điện Khe Bố, lãnh đạo huyện cho rằng: Chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác đầu tư xây dựng phục vụ di dân TĐC. 

Theo ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, UBND huyện đã có rất nhiều văn bản đôn đốc và biên bản làm việc có cam kết tiến độ cũng như kinh phí để thực hiện đã được ghi rõ trong các biên bản làm việc, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn chậm trễ trong thực hiện. Trách nhiệm này là của chủ đầu tư thủy điện Khe Bố.

Cuối năm 2021 phải giải quyết xong

Thông tin từ UBND huyện Tương Dương cho thấy, trong quá trình giải quyết các tồn tại vướng mắc hậu TĐC thủy điện Khe Bố, chủ đầu tư không cung cấp kịp thời những hồ sơ tài liệu phát sinh phải điều chỉnh bổ sung đối với những khu vực phát sinh sau khi tích nước lòng hồ. Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho Nhân dân trong công tác lập hồ sơ bồi thường GPMB chưa được đầy đủ, dẫn đến Nhân dân không ký hồ sơ.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tương Dương, ngoài trách nhiệm của thủy điện Khe Bố, thì một phần trách nhiệm là do cán bộ thực hiện công tác bồi thường GPMB của huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, một số cán bộ trình độ còn hạn chế. Công tác phối, kết hợp thực hiện nhiệm vụ giữa chủ đầu tư và địa phương chưa tốt. Ngoài ra, một số xã chưa vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường GPMB huyện và chủ đầu tư, nên có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Người dân xã Tam Quang hứng chịu trận lũ lịch sử có yếu tố do thủy điện xả lũ
Người dân xã Tam Quang hứng chịu trận lũ lịch sử có yếu tố do thủy điện xả lũ

Tại cuộc làm việc mới đây với chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố, thường trực Huyện ủy Tương Dương đã ra “tối hậu thư” yêu cầu: chủ đầu tư tập trung hoàn tất các hồ sơ, thủ tục pháp lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc kéo dài trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, đến 31/12/2021 phải giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại. Đối với các hạng mục đầu tư xây dựng phục vụ di dân TĐC có trong quy định hoặc phải đầu tư bổ sung, yêu cầu đơn vị hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2021.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.