Xuất hiện nhiều vụ sạt sở bất thường
Trưa 14/6/2021, trên địa bàn thôn Khe Pháo, xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên) đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng. Sự cố sạt lở khiến bà Vũ Thị Lý (sinh 1957) tử vong tại chỗ. Trước đó, ngày 10/6, tại khu vực xưởng chế biến gỗ ở thôn Đồng Quẻ, xã Minh An (huyện Văn Chấn) cũng xảy ra vụ sạt lở đất taluy tương tự khiến một phụ nữ tử vong.
Đáng nói là, cả hai vụ tai nạn sạt lở đất xảy bất thường là giữa ban ngày, trong lúc trời có nắng, không mưa. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng sạt lở đất nêu trên, là do đất bị phong hóa trong trạng thái bão hòa nước.
Tại thời điểm xảy ra sự cố, dù nắng ráo nhưng trước đó vài ngày, khu vực này đã có mưa to. Thêm vào đó, taluy vách đồi sau nhà của các gia đình nạn nhân được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định, trực tiếp "kích hoạt" cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất gây sập nhà.
Những vụ tai nạn thương tâm nêu trên, là hồi chuông cảnh báo đối với vùng có nguy cơ cơ sạt lở cao mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thế nhưng, mặc dù biết trước được những hiểm nguy này, nhưng các cấp chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi an toàn.
Như tại thôn Giàn Khế, xã Yên Phú (huyện Văn Yên) hiện có gần 40 hộ dân nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên đến nay, mới có 9 hộ bị lở đất taluy đã làm đổ sập nhà mới di dời; còn hơn 30 hộ vẫn chưa chuyển được đến nơi an toàn.
Khó khăn về nguồn lực
Theo ông Doãn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, hiện tượng sạt lở đất, đá đang gây khó khăn rất lớn đối với chính quyền địa phương. Không chỉ ảnh hưởng đến nhà ở của người dân, loại hình thiên tai này còn gây chia cắt giữa các khu vực dân cư, các địa phương, khó khăn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão.
Đặc biệt sạt lở đất xảy ra nhiều hơn đối với những tuyến đường mới làm, có chiều cao taluy dương lớn và địa hình dốc lớn. Do đó, việc di chuyển người dân tới nơi an toàn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công việc này hiện gặp nhiều rào cản, do cấu tạo địa chất của huyện chủ yếu là đồi núi dốc trên nền đất yếu, cộng với thói quen sống trên núi cao từ lâu đời của người dân.
Còn theo ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, một khó khăn khác, trong công tác di dân khỏi vùng sạt lở nguy hiểm là do địa phương thiếu nguồn lực. Để bố trí đất cho việc di dời dân cư, tỉnh cần một nguồn đầu tư lớn, và quỹ đất thì hạn hẹp. Dù tỉnh đã có phương án cho từng địa phương. Tuy nhiên, việc thực thi cần phải từng bước, phù hợp với nguồn kinh phí và quỹ đất tái định cư.
Hiện nay, mỗi khi mùa mưa bão đến, chính quyền chỉ biết cảnh báo và tạm thời cưỡng chế bắt buộc đưa người đi tránh xa khu vực nguy hiểm mà không có đủ nguồn kinh phí, quỹ đất cần thiết để xây dựng khu tái định cư an toàn, ổn định lâu dài.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 7.181 hộ đang sống ở vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. Trong đó, có gần 4.500 hộ đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, sạt lở taluy - loại hình thiên tai khó đoán định, xảy ra bất ngờ, thường gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
Trong khi chờ đợi nguồn lực và quỹ đất tái định cư, theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, các giải pháp trước mắt của tỉnh là: Chú trọng đến công tác dự báo thiên tai; xây dựng sẵn phương án đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở; tuyên truyền, cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và hiện tượng sạt lở đất nói riêng; kiện toàn, phát huy tốt phương trâm 4 tại chỗ khi mưa lũ xảy ra.