Chạy đua với thời gian
Minh Hóa, Tuyên Hóa là 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, là nơi có nhiều bà con đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây có địa hình hiểm trở, các khu vực dân cư lại thường nằm rải rác ở các thung lũng nhỏ hẹp, cách xa nhau. Do vậy, cứ đến mùa mưa bão, khu vực này lại thường xuyên xảy ra các trận lũ quét, sạt lở đồi núi và ngập lụt, gây nhiều thiệt hại về người và của.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai, tỉnh Quảng Bình đã triển khai các dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong đó Minh Hóa, Tuyên Hóa là nơi có nhiều dự án được thực hiện. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay các dự án đã và đang được khẩn trương thực hiện nhằm hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Tại Dự án Khu tái định cư (TĐC) bản Cha Lo (khoảnh 4 - Tiểu khu 144, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) có tổng diện tích 46.391,8 m2 và được triển khai từ đầu tháng 4/2021. Đến nay, công tác triển khai xây dựng 34 nhà dân thuộc diện TĐC tại Dự án đã cơ bản hoàn thành.
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Theo kế hoạch, các công trình nhà dân sẽ được bàn giao cho bà con vào 30/7 tới. Hiện đơn vị thi công đang hoàn thiện mái hiên, sân và tiếp tục thi công các hạng mục khác như mặt đường, hệ thống nước sinh hoạt, đường điện, kè chống xói lở…”.
Tại Khu TĐC thôn Đạm Thủy 1 - 2, thuộc xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa), khu TĐC này nằm ở tả ngạn sông Gianh với diện tích 1,7 ha; được đầu tư xây dựng nhằm bố trí nơi định cư mới cho 20 hộ dân địa phương phải di dời nhà cửa do sạt lở đất trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 vừa qua.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện khu TĐC Đạm Thủy 1, 2 xã Thạch Hóa đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng như san lấp, điện, đường và đã bàn giao mặt bằng cho các hộ dân vào tự xây dựng nhà cửa.
Ở phía hữu ngạn sông Gianh, Khu di dân xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) cũng có tiến độ tương tự, khi đã cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông.
Những khó khăn hiện hữu
Mặc dù cơ bản đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tuy vậy, vẫn còn nhiều nỗi lo hiện hữu tại các khu TĐC mới.
Anh Mai Xuân Minh, thôn Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, một hộ dân thuộc diện di dân đến Khu TĐC thôn Đạm Thủy 1 - 2 cho biết, khu TĐC có mặt bằng ổn hơn, an toàn hơn so với chỗ cũ. Tuy vậy, sau khi đến nơi ở mới, gia đình anh vẫn đang phải sử dụng nước giếng khoan, trong khi nguồn nước này bị nhiễm phèn. “Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm bố trí hệ thống nước sạch về cho khu TĐC, chứ về lâu về dài sử dụng nguồn nước giếng sẽ không bảo đảm”, anh Minh nói.
Cũng theo anh Minh, không chỉ gặp khó khăn về nguồn nước sạch, nhiều hộ dân còn gặp những khó khăn trong việc “lạc nghiệp” do thiếu đất sản xuất, chăn nuôi khi đến nơi ở mới. Do vậy, bà con mong chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ trong việc chuyển đổi nghề, hỗ trợ đất canh tác.
Bên cạnh một số khu TĐC đã dần hoàn thiện, vẫn còn những nỗi lo khác liên quan đến nguồn vốn thực hiện các dự án. Theo UBND huyện Tuyên Hóa, chủ đầu tư dự án Khu TĐC thôn Đạm Thủy 1 - 2 xã Thạch Hóa và Khu di dân xã Thuận Hóa, cả 2 dự án này có tổng mức đầu tư được phê duyệt 16,5 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện nay cả 2 dự án mới chỉ được cấp 6 tỷ đồng (mỗi dự án 3 tỷ đồng) từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mặc dù còn thiếu hơn 10 tỷ đồng, song do áp lực về tiến độ, đơn vị thi công đã sắp xếp các nguồn lực để triển khai và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản. Điều này phần nào mang đến những nguy cơ phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, nếu tỉnh Quảng Bình hoặc huyện Minh Hóa không thu xếp được vốn để quyết toán cho Dự án trong thời gian tới.
Một dự án TĐC trọng điểm khác tại huyện Minh Hóa cũng chưa thể hoàn thành, là dự án Di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 26,5 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Hiện giai đoạn 1 Dự án (tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2013 - 2017) đã cơ bản hoàn thiện và cũng đã có các hộ dân vào ở.
Dự kiến, trong giai đoạn 2, Dự án sẽ được đầu tư thêm các hạng mục san nền, thi công tuyến đường chính, hệ thống điện, nước, cống rãnh thoát nước… để có thể di dời 55 hộ dân nữa đến TĐC. Tuy vậy, việc triển khai Dự án đang hết sức khó khăn, do… thiếu vốn.
Trong tháng 10/2020, tại Tờ trình số 7079/TTr-BNN-KTKH gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2020 để hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, biên giới và ổn định dân di cư tự phát với tổng kinh phí 1.800 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT đã đề nghị hỗ trợ 19 tỷ đồng (số vốn còn thiếu của dự án) từ nguồn dự phòng ngân sách cho dự án Di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa.
Đầu tháng 3/2021, Tỉnh ủy Quảng Bình cũng có thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về việc phân bổ kinh phí cần phải có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải và phát huy tốt hiệu quả. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành các điểm TĐC cho các hộ dân khu vực sạt lở nghiêm trọng và ngập sâu trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, bao gồm Khu vực xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa; Khu vực thôn Đạm Thủy 1 - 2, xã Thạch Hóa và Khu vực xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Tuy vậy, mới đây, tại quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 13/7/2021 về việc trích nguồn Dự phòng Ngân sách Trung ương (Quyết định 118/QĐ-TTg ngày 27/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để thực hiện xây dựng các công trình dự án, dự án Di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa chỉ được cấp thêm 3,5 tỷ đồng.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, với mức kinh phí 3,5 tỷ đồng, chắc chắn dự án sẽ không thể triển khai được đầy đủ và hoàn thiện các hạng mục công trình theo quyết định phê duyệt.
Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, hàng năm, xã thường xuyên rơi vào cảnh “cô lập” do các trận lũ lụt gây ra. Chỉ tính trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020, xã Minh Hóa đã có đến 2/3 số nhà dân bị ngập lụt, tổng thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng, một con số khá lớn đối với một xã vùng cao đang còn gặp nhiều khó. Do vậy, việc triển khai tiếp dự án này là rất cần thiết đối với địa phương.
“Mức kinh phí vừa bổ sung chắc chỉ đủ làm đường chứ chưa thể tính đến các hạng mục khác như san nền, đầu tư hệ thống điện, nước, hệ thống cống rãnh thoát nước… Do vậy, địa phương mong muốn chủ đầu tư căn cứ nguồn vốn được bố trí thực hiện dứt điển từng hạng mục. Trước mắt là phải có mặt bằng để bà con có thể dựng lều tránh trú khi mùa mưa bão đến”, ông Minh đề xuất.