Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở làng Đăk Asêl

Ngọc Thu - 12:17, 26/06/2023

Ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nhiều hộ dân rất tin tưởng, học kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của gia đình anh Đinh Văn Quý (SN 1991). Mô hình không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình anh, mà còn lan tỏa cách làm du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân trong làng, trong xã.

Chàng trai Ba Na Đinh Văn Quý (bìa phải) người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở làng Đăk Sêl
Chàng trai Ba Na Đinh Văn Quý (bìa phải) người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở làng Đăk Sêl

Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai Đinh Văn Quý phải lỡ hẹn với giảng đường đại học bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh ở lại quê hương phụ giúp gia đình làm nông, với thu nhập bấp bênh. Nhờ sự giới thiệu của chính quyền địa phương, anh được nhận vào làm nhân viên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nhiệm vụ chính của anh khi ấy là đảm nhận việc đưa đón khách tham quan, trải nghiệm tại thác K50.

Với ước mong có được công việc ổn định và làm chủ kinh tế nên anh Quý rất nỗ lực học hỏi, tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên thiên ở Kbang để hoàn thành công việc được giao. Nhờ đó, anh bén duyên với Công ty TNHH TMDV Du lịch Bitour. Năm 2020, với sự am hiểu cảnh quan, phong tục của đồng bào Ba Na cùng với kinh nghiệm thực tế qua từng chuyến đi, nắm bắt được nhu cầu của du khách, anh đã nung nấu ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng tại làng Đăk Asêl.

Anh Quý dẫn đường du khách tham quan tại thác K50, huyện Kbang
Anh Quý dẫn đường đưa du khách tham quan, giới thiệu về thác K50, huyện Kbang

Để biến suy nghĩ thành hành động, từ số tiền tích cóp của gia đình, anh bàn bạc với vợ mạnh dạn vay vốn ngân hàng dựng một nhà sàn truyền thống với đủ loại nhạc cụ dân tộc, bầu nước treo đung đưa trước hiên nhà. Đồng thời, anh cũng cải tạo cảnh quan thiên nhiên với hoa, cây xanh theo những mô hình Homestay có trên mạng xã hội.

Anh Đinh Văn Quý chia sẻ: “Làm nhà sàn gỗ chủ yếu để du khách dừng chân sau khi tham quan thác K50 để nghỉ ngơi, tắm rửa trước khi về lại thành phố. Trong khi khách chờ đợi, thì mình chơi cho họ nghe cồng chiêng Ba Na, kể cho họ nghe về phong tục tập quán, sau đó mình tổ chức lửa trại, múa xoang ngay tại làng”.

 Anh Quý cùng đội cồng chiêng trong làng thường xuyên đánh chiêng, múa xoang phục vụ du khách
Anh Đinh Văn Quý cùng đội cồng chiêng trong làng thường xuyên tập luyện để đánh chiêng, múa xoang phục vụ du khách

Là người dẫn đường năng động, tích cực, anh thu hút thêm những thanh niên trong vùng cùng tham gia để có thêm thu nhập. Từ đó, nhóm đã có trên 20 thành viên, chủ yếu là thanh niên trong làng Đăk Asêl. Mỗi Tuor kết nối với đơn vị lữ hành, anh huy động khoảng 10 thanh niên tham gia dẫn đường, chuyên chở du khách cùng hành lý, phục vụ ăn uống và hậu cần. Giá trị mỗi tuor được chia đều cho tất cả thành viên.

Anh Kpuih Duấ - thành viên nhóm du lịch cộng đồng làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang tâm sự: Mình cưới vợ và lập nghiệp tại xã Sơn Lang đã lâu, nhưng cuộc sống gia đình chưa ổn định. Từ khi theo Quý làm du lịch cộng đồng, kinh tế gia đình anh đã cải thiện đáng mừng. Bình quân mỗi tháng anh có thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng từ việc làm thêm dịch vụ du lịch. Từ đó, mình cũng có thêm nhiều hiểu biết về du lịch cộng đồng, biết gìn giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc Ba Na.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm cùng anh Quý sau khi tham gia các tiết mục cồng chiêng, đốt lửa trại đậm đà bản sắc
Du khách thích thú chụp ảnh kỷ niệm với anh Đinh Văn Quý sau khi tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi

Nói về anh Quý, già làng Đinh Hmunh phấn khởi cho biết: Quý là thanh niên rất nhanh nhẹn, thông minh, hướng dẫn dân làng Đăk Asêl tiếp cận với du lịch cộng đồng, tập trung làm ăn, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, đời sống văn hóa trong làng cũng sôi nổi hơn. Các giá trị bản sắc như cồng chiêng, điệu múa xoang truyền thống cũng thường xuyên được diễn xướng. Điều ấy khiến người già chúng tôi cũng cố gắng học hỏi, tiếp thu từ lớp trẻ để làm việc tốt hơn, cùng với dân làng giới thiệu cho du khách ở các tỉnh xa biết về bản sắc đồng bào mình..

Không chỉ là người đi đầu về du lịch cộng đồng, anh Đinh Văn Quý còn là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng làng Đăk Asêl. Bằng mối quan hệ tốt với đơn vị lữ hành, anh Quý đã vận động lắp 8 bóng đèn chiếu sáng nội làng, xây dựng 1 thư viện cho trẻ em và 18 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong làng.

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trước nhà sàn truyền thống của anh Đinh Văn Quý
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trước nhà sàn truyền thống của anh Đinh Văn Quý

Chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, anh Quý bộc bạch, thực ra anh chỉ làm du lịch cộng đồng theo cảm tính, bởi chưa qua trường lớp đào tạo nào. Cái gì làm chưa tốt thì phải sửa chữa để cho công việc của mình tốt hơn. "Hiện tại mình tập trung việc trau dồi kiến thức, hoàn thiện kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch và có cách làm thân thiện với môi trường", anh Quý cho biết.

Để tiếp sức, hỗ trợ anh Quý cùng dân làng làm du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình MTQG 1719, xã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kbang, mở lớp đào tạo nghề làm du lịch cộng đồng cho đồng bào Ba Na, để người dân có thêm kỹ năng tổ chức mô hình du lịch cộng đồng; thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.