Vùng đất giàu bản sắc văn hóa
Làng Chiêng, thị trấn Kbang có 50 hộ với khoảng 220 khẩu người Ba Na. Bên cạnh núi non hùng vĩ, những ngôi nhà sàn truyền thống là nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được đồng bào giữ gìn và phát huy. Mỗi khi có lễ hội, đội cồng chiêng truyền thống của làng với 2 bộ chiêng đều tập hợp đông đủ, cùng nhau tấu lên những âm thanh rộn rã.
Bên cạnh đó, trai gái làng còn tiếp nối nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm của cha ông và nhiều người biết làm các loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng, k’ni, klông put. Đặc biệt, để phát triển du lịch, bà con nơi đây đã được tham gia lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng do huyện tổ chức. Từ đó, ứng dụng hiệu quả trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Đinh Thị Cúc (làng Chiêng, thị trấn Kbang) cho biết: “Sau khi được đào tạo kiến thức về du lịch cộng đồng, tôi đã mở quán ăn mang tên “Không gian văn hóa ẩm thực làng Chiêng với các món ăn dân dã như cơm lam, gà nướng, lá mì cà đắng, đọt mây nướng, rau dớn xào tỏi để thu hút thực khách. Từ khi mở quán ăn, tôi tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 8 lao động. Trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của làng trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống để bán cho du khách, vừa quảng bá nét văn hóa của người Ba Na vừa tạo thêm thu nhập cho chị em”.
Ngoài các điểm du lịch trải nghiệm với loại hình Trekking khám phá thiên nhiên với những cánh rừng già ở Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng thì du lịch cộng đồng cũng thu hút khá nhiều du khách đến tham quan. Bởi, đây là một hình thức du lịch trải nghiệm có sự tương tác giữa cộng đồng dân tộc với du khách nhằm bảo tồn và phát huy các thực thể văn hóa của các dân tộc ở địa phương. Hiện nay, huyện Kbang có 4 làng phát triển du lịch cộng đồng gồm: Làng Chiêng, làng Mơ Hra-Đáp, làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) và làng Stơr (xã Tơ Tung) với các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, kể sử thi; trải nghiệm dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn hấp dẫn của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, thu hút khách du lịch.
Anh A Ngưi, chủ Homestay A Ngưi Kbang tại làng Kgiang kể: Là người con của mảnh đất Kbang nên tôi rất hiểu và trân quý bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na mình. Với phương châm “Lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi”, tôi đã xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng không chỉ nâng cao kinh tế gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong làng. Hiện nay, hoạt động của Homestay A Ngưi Kbang dần đi vào ổn định, hàng năm thu hút hơn 2.000 lượt khách đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm”.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, năm 2022, UBND huyện Kbang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí 3,974 tỷ đồng. Đề án sẽ khai thác các giá trị di sản văn hóa trong đời sống đồng bào DTTS nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cụ thể, huyện Kbang dự kiến đầu tư xây dựng đạt chuẩn cho 5 điểm đến du lịch tại các làng: Mơ Hra-Đáp, Kdang (xã Kông Lơng Khơng), Stơr (xã Tơ Tung), Kon Bông (xã Đak Rong) và Chiêng (thị trấn Kbang); đầu tư hoàn thiện 2 làng văn hóa truyền thống tiêu biểu: Làng Kdang (xã Kông Lơng Khơng) và làng Stơr (xã Tơ Tung); xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái trong cộng đồng dân tộc Ba Na hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại 2 làng: Kdang và Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng); tu bổ và hoàn thiện một số hạng mục chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa “Làng kháng chiến Stơr” và “Nhà lưu niệm Anh hùng Núp”.
Đồng thời, để phục vụ khách du lịch, huyện hỗ trợ các trang, thiết bị văn hóa - thể thao tại 23 làng thuộc vùng đồng bào DTTS bảo đảm đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: Bên cạnh xây dựng Đề án, huyện tiếp tục lồng ghép việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi việc gìn giữ di sản là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị. Các cấp ủy đưa kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các DTTS vào nghị quyết để chỉ đạo thực hiện. Phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc Ba Na, đưa diễn xướng cồng chiêng vào trong sinh hoạt cộng đồng và trong các sự kiện văn hóa ở địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng, giao lưu văn hóa truyền thống giữa các DTTS, Ngày hội du lịch… nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, phát triển du lịch bền vững trên địa bàn.