Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng du lịch cộng đồng giữa phố núi Pleiku

Ngọc Thu - 16:58, 08/04/2023

Giữa lòng phố núi Pleiku (Gia Lai) nhộn nhịp, những ngôi làng của đồng bào Gia Rai vẫn giữ nguyên cho mình nét văn hóa độc đáo với những phong tục truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng bào Gia Rai làng Ớp (phường Hoa Lư, Tp. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng bên nhà rông truyền thống
Đồng bào Gia Rai làng Ớp (phường Hoa Lư, Tp. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng bên nhà rông truyền thống

Những ngôi làng giữa phố

Làng Ớp (phường Hoa lư, Tp. Pleiku) được thành lập khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu. Đến nay, làng có khoảng 130 hộ với 650 khẩu. Người dân nơi đây vẫn đoàn kết, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông cùng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng…Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này suối Giọt và các cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ.

Đến đây, ngoài nhà rông, du khách có thể thong dong thả bộ trên những con đường làng sạch sẽ, thoáng đãng và trò chuyện với những người dân thân thiện, hiếu khách; ngắm những đồng lúa, vườn rau xanh mướt. Mặc dù nằm trong lòng Tp. Pleiku, nhưng làng Ớp lại được bao bọc bởi thung lũng Ia Lâm và 2 con suối Ia Nin và Ia Năk trong vắt, ngày đêm róc rách, hiền hòa ôm lấy làng khiến khung cảnh càng nên thơ, bình yên.

Năm 2008, Tp. Pleiku đã quyết định đầu tư xây dựng làng Ớp trở thành làng văn hóa du lịch. Theo đó, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch cùng các hạng mục công trình khác dần được hoàn thiện; vệ sinh môi trường được bảo đảm. Nhà rông văn hóa được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây.

Mỗi mùa lễ hội, dưới mái nhà rông, dân làng lại  thực hiện các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa như: Pơthi, lễ hội mừng lúa mới… cùng với giai điệu cồng chiêng ngân vang, điệu xoang nhịp nhàng.

Em Puih Thông, làng Ốp, Tp. Pleiku, Gia Lai, phấn khởi cho biết: Em và những người dân trong làng vẫn thường xuyên tập trung dưới mái nhà rông để cùng nhau đánh chiêng, trò chuyện. Ai cũng bảo nhau cùng gìn giữ và bảo tồn được nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Sau này, em sẽ cố gắng học thật tốt để trở về xây dựng Plei Ốp ngày càng đẹp và khang trang hơn.

Thiếu nữ Gia Rai lấy nước sinh hoạt từ giọt nước cuối làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku
Thiếu nữ Gia Rai lấy nước sinh hoạt từ giọt nước cuối làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku

Nằm bên cạnh di tích thắng cảnh Biển Hồ - Đôi mắt Pleiku, làng Ia Nueng có 255 hộ với gần 100% là đồng bào Gia Rai. Đường dẫn vào làng Ia Nueng ngập sắc hoa tím vàng. Ngôi làng gây ấn tượng về sự thanh bình với những cây vú sữa cổ thụ to lớn tỏa bóng mát giữa nắng trưa. Phía cuối làng, 2 giọt nước trong veo cung cấp nguồn nước sạch cho cả dân làng Gia Rai.

Bên vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai được đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng, già làng Hmrik đang ngồi chuyện trò vui vẻ với con cháu. Già làng Hmrik chia sẻ: Mình thường kể cho các con cháu nghe về ý nghĩa và nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian. Những giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc mình. Cùng với đó, vận động bà con trong làng tham gia dệt thổ cẩm, truyền dạy cho lớp trẻ đánh chiêng. Qua đó, không chỉ phục vụ cho những lễ, hội của làng mà còn gắn với phát triển du lịch, phục vụ du khách khi có nhu cầu tham quan, mua sắm.

Phát triển du lịch từ văn hóa truyền thống

Với những tiềm năng, lợi thế về con người, văn hóa, thiên nhiên, Tp. Pleiku đã có nhiều chương trình, đề án tập trung khai thác du lịch từ văn hóa cộng đồng, đưa kinh tế địa phương tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.

Tháng 7/2022, Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND xã Biển Hồ (Tp. Pleiku) đã lắp đặt mô hình trưng bày “Vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai” tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng la Nueng. Mô hình gồm 24 tượng gỗ và cột trang trí, trưng bày với các nhóm tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội, tình cảm gia đình.

Mô hình trưng bày “Vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai” tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng la Nueng thu hút nhiều du khách đến tham quan
Mô hình trưng bày “Vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai” tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng la Nueng thu hút nhiều du khách đến tham quan

Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai) cho biết: Mô hình trưng bày nhằm giới thiệu sản phẩm nghề mộc tượng gỗ dân gian tại làng du lịch cộng đồng, góp phần quảng bá các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống của 2 dân tộc Ba Na, Gia Rai; giới thiệu giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của DTTS tại Tp. Pleiku đến người dân và du khách. Đồng thời, góp phần giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của người dân, khuyến khích thế hệ trẻ học nghề truyền thống, biết khai thác tiềm năng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình để khởi nghiệp, tăng thu nhập và phát triển du lịch văn hóa.

Mới đây, Tp. Pleiku đã xây dựng 2 dự thảo Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng và làng Ớp. Trong đó, tập trung xây dựng cảnh quan môi trường, đường giao thông, nâng cấp sửa chữa nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhạc cụ truyền thống; đào tạo, phát triển làng nghề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện 2 làng đang thành lập tổ quản lý du lịch cộng đồng là người am hiểu về văn hoá của người địa phương qua đó giúp khai thác tốt giá trị văn hoá phục vụ phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng phòng Văn Hóa, Thông tin Tp. Pleiku thông tin: Tp. Pleiku có gần 30 dân tộc anh em, trong đó người Gia Rai và Ba Na là cộng đồng dân cư tại chỗ nên có nhiều điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng làng Ia Nueng và làng Ớp đang được UBND Tp. Pleiku tiếp tục tổ chức nghiên cứu bổ sung hoàn thiện để đi vào thực hiện trong thời gian tới, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 16/8/2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.