Đây là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được Viện phát triển Châu Á, Dự án Trường Sơn xanh, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam chọn làm thí điểm đầu tiên tại Quảng Nam; được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng danh hiệu Làng Du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019” vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng, tổ chức và phát triển.
Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu
Tinh thần đoàn kết, kết cấu cộng đồng trong văn hóa làng Cơ tu chính là điểm độc đáo ở làng Du lịch cộng đồng (DLCD) này. Với người dân Ta Lang, từ khi làng làm du lịch cộng đồng, sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau như văn hóa làng xưa nay cũng được người làng đem ra ứng xử, đối đãi để đón khách đến với làng. Mỗi người khách đến làng đều được chào đón bằng nghi lễ cầu an, nghi thức nhập làng trang trọng để khách thật sự trở thành người con của núi rừng Tây Giang.
Già, trẻ, gái, trai ở làng cùng tham gia đón tiếp, phân công nhau từng việc của làng để phục vụ du khách. Khách đến làng là mọi người đều vui, cùng nhau chế biến món zơ dá truyền thống từ những nguyên liệu sạch do dân làng trồng trọt mời khách thưởng thức trong mái nhà Gươl của làng.
Các nghệ nhân, cùng những bạn trẻ sẽ trình diễn cho du khách các loại hình nghệ thuật truyền thống của làng như mú, biểu diễn nhạc cụ dân tộc aheen, abel, cùng chế tác nghề đan lát, dệt thổ cẩm,…Đó cũng là dịp để người già truyền giữ văn hóa truyền thống lại cho lớp trẻ.
Cộng đồng cùng chung tay làm du lịch xanh
Du lịch phát triển, cơ sở hạ tầng, nhà Gươl của thôn cũng được nâng cấp đầu tư khang trang, người làng có thêm thu nhập từ bán hàng lưu niệm, làm dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều khóa tập huấn, tham quan học tập được tổ chức cho người dân, lồng ghép những nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học, hiểu biết về môi trường tự nhiên. Dự án cũng hỗ trợ một số homestay cải tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch để đón khách lưu trú.
Khi bắt tay vào làm, mọi người đều xem như việc chung của làng, đóng góp vật liệu, công lao động, nhiệt tình tham gia trồng cây xanh tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch tại điểm đến, làm hàng rào tre, vận động người làng và du khách không sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng những vật liệu thân thiện môi trường,....
Điều thích thú hơn nữa là tất cả vật dụng, kể cả những đồ đựng thực phẩm đều tận dụng những vật liệu thân thiện môi trường như tre, lá chuối, lá dong,…
"Giá trị, nét độc đáo của Ta Lang chính là văn hóa cộng đồng Cơ Tu còn được lưu giữ tại làng và chọn lựa thành những “đặc sản” để tiếp đón du khách”, chị P. Thảo Trần, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Hơn 1 năm đi vào hoạt động, chương trình tour trải nghiệm làm “người Cơ tu” ở làng DCLĐ Ta Lang được rất nhiều du khách yêu thích và lựa chọn.
Sau khi "nhập làng", du khách cũng có thể trải nghiệm các các trò chơi dân gian của người Cơ Tu, học cách làm các món ăn truyền thống. Hoặc có thể lựa chọn các tour khám phá như xuôi dòng Ch’Lang bằng bè tre, khám phá thác R’Cung, thăm địa đạo Axoò, đi bộ đường rừng khám phá một cung đường Hồ Chí Minh, đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn, đến các điểm du lịch khác ở huyện Tây Giang,…