Hình thành từ lâu
Theo lời nhiều ông, bà cao niên trong xóm Đức Phong kể lại: "Quán tự giác" được hình thành từ rất lâu và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Mường ở xã Tiền Phong. Đã từng có thời gian, những "quán tự giác" trải dài khắp xóm. Các hộ dân có quả bưởi, mớ rau, con gà… đều đặt ra ngoài quán để bán. Người mua sẽ lựa chọn cho mình những mặt hàng phù hợp với nhu cầu, tự định giá rồi đặt tiền vào chiếc giỏ trong quán. Chính vì vậy, "quán tự giác" không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân mà còn thể hiện sự thiện chí, và mang ý nghĩa giáo dục sự trung thực cho cộng đồng.
Từ năm 2008, dưới sự hỗ trợ của quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP), xóm Đức Phong bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Đây là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch muốn sử dụng khoảng thời gian để thư giãn, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của người Mường. Khi đến đây, khách du lịch đã rất ấn tượng với những "quán tự giác" bởi quán không cần người trông coi, tiền bán hàng để trong những chiếc giỏ, nhưng không ai dám động vào. Để tiện cho khách du lịch, người dân đã có bảng niêm yết giá cho khách mua sắm.
Trước đại dịch Covid -19 bùng phát, mô hình "quán tự giác" đã phát huy được tính tiện ích, trở thành một trải nghiệm tuyệt vời. Khách du lịch đến với Đá Bia không chỉ để được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được trải nghiệm sự hiếu khách thân thiện của người dân và hài lòng với "quán tự giác". Do vậy, từ mô hình này góp phần giúp cho người dân nơi đây, quảng bá các sản phẩm du lịch và có thêm thu nhập phát triển kinh tế.
Bình yên giữa mùa dịch
Mô hình du lịch cộng đồng ở Đá Bia thu hút là vậy, thế nhưng cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của dịch Covid -19. Từ đầu năm 2020 đến nay, nơi đây gần như vắng bóng du khách. Thế nhưng, mô hình “quán tự giác” vẫn không biến mất mà đứng vững, thậm chí phát huy vai trò rất tốt trong mùa dịch.
Ông Đinh Văn Đại, Bí thư Chi bộ thôn Đức Phong, xã Tiền Phong cho biết, thôn hiện có khoảng 150 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống. Trước đây, trong thôn có 4 "quán tự giác" phục vụ người dân và khách du lịch. Từ khi dịch Covid -19 bùng phát đến nay khách du lịch giảm sút nên người số lượng quán cũng giảm từ 4 quán xuống 3 quán. Các quán này không phải của riêng hộ gia đình nào, mà là của chung cộng đồng. Hiện nay, khách hàng chủ yếu là người trong xã và khách vãng lai.
Ông Đinh Văn Đại bày tỏ mong muốn, người dân duy trì các "quán tự giác" không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán kiếm thêm thu nhập, mà còn cố gắng không để đứt đoạn mô hình này. Khi nào dịch Covid -19 đi qua, người dân sẽ tiếp tục khôi phục và phát triển nhiều hơn nữa các "quán tự giác" cả về số lượng quán, cũng như tăng thêm số lượng chất lượng hàng hóa.
Bà Đinh Thị Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 7 thôn bản với 98% người Mường sinh sống. Tình hình an ninh trật tự của thôn Đức Phong nói riêng và trên địa bàn xã nói chung về cơ bản ổn định. Trong đó, mô hình "quán tự giác" của thôn Đức Phong phát huy hiệu quả trong mùa dịch nên Đảng ủy luôn khuyến khích người dân duy trì.
Mặc dù là địa bàn giao thương đi lại giữa các xã, huyện nhưng trên địa bàn thôn Đức Phong hiện nay không có trường hợp F0, F1, F2 nào. Các vấn đề an ninh trật tự khác trên địa bàn cũng luôn được đảm bảo.
Có thể nói mô hình "quán tự giác" của thôn Đức Phong đã và đang phát huy rất tốt trong mùa dịch. Thiết nghĩ mô hình này rất ý nghĩa, mang tính giáo dục, phù hợp, tạo ấn tượng riêng cho địa phương có thể nhân rộng ở vùng đồng bào DTTS trong mùa dịch Covid -19, thậm chí duy trì lâu dài sau này.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)