Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sức sống mới nơi “nóc nhà” Mường Vang

PV - 16:32, 15/07/2021

Đồi Thung - vùng núi cao nhất của huyện Lạc Sơn (xứ Mường Vang xưa) đã, đang khoác lên mình một tấm áo mới, trở thành địa điểm “đáng đồng tiền” đối với nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, vườn hoa Thung 1, đồi chè, đỉnh Cốt Ca là những cái tên thu hút nhiều bạn trẻ. Vào ngày lễ, Tết, mỗi ngày Đồi Thung đón 200 - 300 khách du lịch.

Tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu lập quy hoạch Dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại vùng đất thơ mộng này
Tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu lập quy hoạch Dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại vùng đất thơ mộng này

Đồi Thung là vùng núi cao nhất của huyện Lạc Sơn (xứ Mường Vang xưa), tỉnh Hòa Bình, với độ cao đo được tại đỉnh Cốt Ca, xóm Thung 1 là 1.071 m so với mực nước biển. Nhiệt độ ở đây thấp hơn so với vùng trung tâm xã 3 - 4oC. Trước đây, đời sống Nhân dân khó khăn lắm, thời tiết khắc nghiệt, ruộng nương thiếu nước, khô cằn, bà con thường xuyên chịu cảnh đói kém. Nhưng nay khác rồi, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường đều được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống người dân dần khá lên. “Không những thế, nơi đây còn là một trong những địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và có dự án đầu tư trong nay mai”, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa Bùi Văn Dát cho biết.

Từ nơi “đáng sợ”

Ngược dốc lên Thung, con đường đã được đổ bê tông, kè taluy kiên cố. Anh Bùi Văn Ngân ở xã Dũng Phong (huyện Cao Phong), người đồng hành cùng tôi trong chuyến đi Thung lần này chia sẻ: “Lần đi Thung gần nhất của tôi từ 5 năm trước. Đợt đó đi Thung về sợ đến tận bây giờ”. Vừa nói, anh Ngân vừa chỉ tay vào những tảng đá to đường kính khoảng 30 cm được chuyển gọn sang bên vệ đường: “Đấy cô ạ! Trước đi toàn những tảng đá to như thế, leo lên đã khó, đi xuống còn khó hơn. Chỉ hơn 6 km mà phải đến cả tiếng đồng hồ mới xuống được đến trung tâm xã”.

Vượt hết dốc Gió, bức tranh phong cảnh hữu tình của Đồi Thung dần hiện ra trước mắt. Từng tia nắng vàng chiếu xuống những thửa ruộng bậc thang đang đến kỳ thu hoạch. Lúa năm nay được mùa, từng hạt ngọc trời trĩu nặng đu đưa theo gió. Không gian rộng lớn, thoáng đãng cùng sự ấm no, đủ đầy của bà con đã làm cho người khách phương xa trở nên ấm áp lạ thường.

Đường lên Đồi Thung, xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn) nay được đổ bê tông, kè taluy kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi buôn bán hàng hóa
Đường lên Đồi Thung, xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn) nay được đổ bê tông, kè taluy kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi buôn bán hàng hóa

Tiếp chúng tôi tại Nhà văn hóa xóm Thung 1, anh Bùi Văn Nhật, Trưởng xóm cho biết: Khoảng 5 - 6 năm về trước, khi chưa có điện, chưa làm đường, cuộc sống bà con ở đây chủ yếu tự cung tự cấp. Nhà nào nuôi được con gì, trồng cây gì chủ yếu phục vụ trong gia đình thôi. Thỉnh thoảng bà con trong xóm trao đổi với nhau để cải thiện bữa ăn. Đến Tết hay vào vụ mùa, khi cần dầu thắp, gạo, muối hoặc những vật dụng thiết yếu, bà con đi men theo đường mòn xuống núi để ra chợ Bo (huyện Kim Bôi) mua sắm. Măng tươi, măng khô, hoa đào ngày Tết cũng chỉ có thể mang ra chợ Bo bán. Vì so với đi chợ Xào, xã Tuân Đạo trong huyện, chợ Bo dễ đi và gần hơn nhiều.

Như để khẳng định thêm lời anh Nhật nói là đúng, anh Bạch Công Trường, Bí thư Chi bộ xóm Thung 1 tiếp lời: Trước đây, mỗi lần xuống xã họp, chúng tôi phải mang ủng, đi bộ hơn 6 km đường đất. Mỗi lần đi cần chuẩn bị ít nhất 2 bộ quần áo, 1 bộ để dùng lúc đi đường, xuống đến nơi thay bộ khác mới ngồi họp được. Mà đã đi phải tính bằng ngày, chứ không thể sáng đi, trưa về như bây giờ đâu. Nhiều hôm trời mưa gió, không về được phải ngủ lại nhà người quen. Phương tiện liên lạc cũng khó khăn. Mỗi lần muốn gọi điện thoại phải trèo lên gò cao, lấy ghế kê lên, treo điện thoại dò sóng và chỉ bắt được chập chờn sóng Mobiphone.

Bởi đường sá đi lại khó khăn, nên khoảng từ năm 2000 trở về trước, có rất nhiều học sinh bỏ học. Số học sinh học hết lớp 9, lên THPT chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Và cũng bởi đường khó đi, nên thứ mà vùng Thung dồi dào nhất là măng bương, măng đắng, măng nứa nhưng giá cả thất thường, thường xuyên bị tư thương ép giá. Hàng hóa sản xuất ra chỉ bán được nửa giá, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng lại phải mua với giá gấp đôi. Bà con đã vất vả lại càng chật vật hơn. Tỷ lệ hộ nghèo 5 năm về trước lên đến 50%, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm.

Người dân xã Quý Hòa lao động sản xuất trên những thửa ruộng bậc thang ở Ðồi Thung
Người dân xã Quý Hòa lao động sản xuất trên những thửa ruộng bậc thang ở Ðồi Thung

Nhọc nhằn là thế, nhưng hàng chục năm nay, người dân nơi “thâm sơn, cùng cốc” này vẫn mạnh mẽ, bền bỉ, như những cây tre, cây trúc trong rừng, thẳng tắp vươn lên đón lấy ánh nắng mặt trời.

Đến vùng đất thu hút đầu tư

Tháng 10/2020, ước mơ, mong mỏi của biết bao thế hệ người dân vùng Thung đã thành hiện thực. Con đường bê tông kiên cố được đầu tư xây dựng đã mở ra cho vùng quê nghèo thêm nhiều cơ hội mới. Đó là kết quả của sự quan tâm đến từ các cấp, ngành cùng sự nỗ lực to lớn từ phía người dân. Về Thung hôm nay, 100% đường liên xóm được bê tông hóa, xe máy, xe ô tô đi lại êm ru. Không còn sợ trời mưa bùn lầy phải xắn quần quá gối mới đi qua được nữa.

Nhà văn hóa 2 xóm Thung 1 và Thung 2 được xây dựng khang trang, kiên cố theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, các cột chống đổ bê tông cốt thép, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con. Năm 2014, Trường Tiểu học Quý Hòa chi Thung được xây dựng khang trang. Năm 2020, trường mầm non cũng được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đồi Thung nay đã đổi khác, nỗi nhọc nhằn dường như vơi bớt, thay vào đó là niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên gương mặt của người dân nơi đây. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ, dột nát được thay bằng nhà mái bằng kiên cố. Người trẻ vui một thì những người già vui gấp chục, gấp trăm lần. Bởi cả cuộc đời lam lũ, vất vả, chật vật trong từng bữa ăn hàng ngày, nay được thấy quê hương đổi khác. “Chỉ tính riêng xóm Thung 1 đã có đến 6 chiếc xe ô tô đắt tiền. Xe máy tay ga đời mới thì nhiều lắm”, cụ Bùi Thị Nhẻn, 77 tuổi, xóm Thung 1 phấn khởi cho biết.

Trụ sở UBND xã Quý Hòa được xây dựng khang trang
Trụ sở UBND xã Quý Hòa được xây dựng khang trang

“Cũng nhờ con đường mới, nông sản, vật nuôi bà con trồng trọt, chăn nuôi được tư thương đến tận nơi thu mua với giá bằng, hoặc chỉ thấp hơn thị trường không đáng kể. Hoặc nếu muốn, bà con có thể mang xuống chợ Xào, xã Tuân Đạo để bán trực tiếp. Ở đây khí hậu mát mẻ, măng mọc nhiều. Hằng năm đến mùa măng, trung bình mỗi gia đình cho thu từ 10 triệu đồng, có nhiều gia đình thu trên 30 triệu đồng. Mùa măng năm nay cũng được giá. Măng nứa đầu mùa bán được 25 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình nuôi trâu, bò, lợn cũng cho thu nhập khá”, anh Bùi Văn Nhiểm, xóm Thung 2 chia sẻ.

Được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành cùng cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ. Đứng từ những ngọn đồi cao, nhìn ra có thể quan sát được toàn bộ xã Kim Tiến cũ (huyện Kim Bôi), hay ở một hướng khác là xã vùng cao Miền Đồi. Nhờ những đặc ân đó, Đồi Thung đã, đang khoác lên mình một tấm áo mới, trở thành địa điểm “đáng đồng tiền” đối với nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, vườn hoa Thung 1, đồi chè, đỉnh Cốt Ca là những cái tên thu hút nhiều bạn trẻ. Vào ngày lễ, Tết, mỗi ngày Đồi Thung đón 200 - 300 khách du lịch.

Từ khi đường lên Thung hoàn thiện và đưa vào sử dụng, có điện, có đường, bà con làm kinh tế nhiều thuận lợi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 10%. Sản phẩm làm ra tiêu thụ được, bà con mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy phục vụ cho cuộc sống. Tích cực học hỏi nhiều cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình.

“Tháng 12/2020, Tập đoàn Sun Group đề xuất ý tưởng nghiên cứu lập quy hoạch Dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Quý Hòa. Đến nay, Dự án bước đầu triển khai thuận lợi với những cuộc khảo sát, thăm dò tại các xóm Thung, Khả, Dọi. Theo Nghị quyết Đảng bộ xã Quý Hòa lần thứ XXX, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tạo điều kiện cho Đồi Thung những cơ hội phát triển để nâng cao cuộc sống người dân”, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa Bùi Văn Dát cho biết thêm./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.