Tân Sơn là 1 trong 8 huyện nghèo của Phú Thọ được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn cả nước. Những ai đã từng đến với Tân Sơn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này. Nhiều loại hình dịch vụ phát triển rất nhanh ở khu vực trung tâm huyện và các xã Minh Đài, Thu Cúc…; ngay cả các xóm, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trước đây, giờ thấp thoáng nhà hai tầng, ba tầng được xây dựng khang trang… Đây chính là kết quả từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc. Điển hình như, chính sách hỗ trợ vay vốn làm nhà ở với chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”.
Anh Lê Văn Chung ở khu 6, xã Tân Phú, một trong những hộ gia đình vừa xây được nhà kiên cố, khánh thành đầu năm 2020 vui vẻ cho biết: “Nhờ có chính sách hỗ trợ cho vay làm nhà ở, gia đình tôi đã có điều kiện được sống trong căn nhà kiên cố, không còn lo mỗi khi mưa gió”.
Bên cạnh hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh phát triển nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn cho giá trị kinh tế cao. Giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi hécta đất canh tác đạt 87,4 triệu đồng, tăng gần 20% so với năm 2015… Nhờ kết quả đó, Tân Sơn đã ra khỏi danh sách 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), sớm hơn 2 năm so với Đề án được phê duyệt.
Huyện Yên Lập, giai đoạn 2016 - 2019 được đầu tư trên 60 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản ĐBKK, xã an toàn khu; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; hỗ trợ khai hoang đất sản xuất... Vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đều vượt kế hoạch, trung bình mỗi năm giảm 3,7%/năm.
Bản Đồng Măng, xã Trung Sơn là bản có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây bà con luôn thiếu cái ăn, cái mặc thì nay đời sống đồng bào đã có nhiều đổi thay. “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đây cũng là cơ hội để đồng bào Dao khôi phục và gìn giữ được các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, già làng Phùng Sinh Huyện phấn khởi cho biết.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn 2014 - 2019, vùng đồng bào DTTS không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm, cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 85% số lao động trong độ tuổi có việc làm. 100% các thôn bản đều đã có đường giao thông, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 62,8%. Toàn tỉnh Phú Thọ có 93/247 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã thuộc huyện miền núi có đông đồng bào DTTS.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ông Đinh Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ nhận định: “Các Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở… đã làm thay đổi diện mạo vùng DTTS của Phú Thọ. Cuộc sống người dân đang ngày càng khởi sắc.