Vùng đất huyền thoại
17 tuổi tham gia du kích, trực tiếp chiến đấu bảo vệ buôn làng, già Y Dhăk Niê Kđăm (SN 1954) ở buôn Tul, xã Yang Mao nhiều lần vào sinh ra tử. Vì vậy, ký ức của một thời gian khổ nhưng đầy vẻ vang vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Già Y Dhăk kể: những năm 1966 – 1971, Mỹ - Ngụy điên cuồng càn quét, thả bom đạn dọc sông Krông Bông, song người dân vùng căn cứ H9 không hề sờn lòng, quyết tâm chống giặc. Già trẻ, gái trai tùy vào sức lực của mình đều tham gia dân công hỏa tuyến ngắn ngày hoặc dài ngày.
Già Y Dhăk vẫn nhớ như in lần địch càn quét vào vùng căn cứ Cư Pui và Cư Drăm, xã Yang Mao. Đội của già có 13 người, thì hy sinh 10 người. Nén đau thương, những người còn sống quyết tâm giữ vững tinh thần bám đất giữ làng.
"Thời chiến để lại hậu quả quá nặng nề cả về người và của, nên khi mới giải phóng bà con đói ăn, đói mặc, khổ lắm. Giờ thì đời sống người dân thay đổi nhiều rồi, nhà nhà có ti vi, xe máy, con cháu được học hành đến nơi đến chốn, đó là điều tôi vui mừng nhất”, già Y Dhăk phấn khởi nói.
Tiếp câu chuyện của già Y Dhăk, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền - ông Nguyễn Văn Trương, chia sẻ: Ngày ấy, tôi vẫn còn nhớ, người dân phải sống trong hang đá, rừng sâu để tránh sự càn quét của địch, nhưng ai nấy đều phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Tất cả mọi người sục sôi tinh thần chiến đấu, góp của, góp công, vót chông, vận chuyển lương thực, quân và dân đoàn kết đồng lòng, góp phần giải phóng toàn căn cứ H9 vào năm 1965; góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đăk Lắk vào tháng 3/1975", ông Điển kể .
H9 đã khác xưa
Già Y Dhăk Niê Kđăm cho biết: Buôn Tul là một trong những buôn khó khăn nhất của xã Yang Mao. Khoảng 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số với hơn 70%. Nhưng nay, mọi thứ đã thay đổi, có điện, đường, trường, trạm, thủy lợi kiên cố. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, đầu tư cho con cái học hành, đời sống được nâng cao rõ rệt.
Cùng với xã Yang Mao, xã Cư Pui cũng đang đổi thay từng ngày. Trong thời kỳ kháng chiến, xã Cư Pui được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, lựa chọn làm điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ III và lần thứ V. Dẫn chúng tôi đến Bia Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ III”, ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư đảng ủy xã Cư Pui tự hào khoe: Đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, mà bây giờ còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và vô cùng có ý nghĩa cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, ông Y Thức Êban, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của các cấp, các ngành, các chương trình mục tiêu quốc gia, khoảng chục năm trở lại đây, tỉnh đầu tư thảm nhựa tỉnh lộ 9, 12 và mới đây xây dựng cây cầu Cư Đrăm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất, giao thương, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, sự nỗ lực của chính quyền, Nhân dân mà Krông Bông từng là huyện có tỉ lệ hộ nghèo chiếm đa số, đến nay giảm còn 28% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.
“Trong tháng 4 này có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đây là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân, đến nay cơ sở hạ tầng của khu căn cứ cách mạng H9 - Krông Bông đã được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ, kinh tế-xã hội khởi sắc, đời sống đồng bào các DTTS ngày càng ấm no...