Chúng tôi lên Sin Suối Hồ vào một ngày cuối tuần, ông Sùng A Lùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ chỉn chu trong trang phục truyền thống người Mông, niềm nở đón chúng tôi trong tâm thế của những người vùng đất làm du lịch: thân thiện, cởi mở và mến khách. A Lùng dẫn chúng chúng tôi gặp cụ Giàng Thị Cang 82 tuổi, bản Sin Suối Hồ, người “cất giữ” những tinh hoa độc đáo trong nghề làm áo váy thổ cẩm truyền thống của người Mông vùng này. Cụ Cang kể: Nghề dệt vải lanh làm thổ cẩm của người Mông có từ rất lâu. Con gái xứ này lớn lên ai cũng biết se lanh, dệt vải và cây lanh có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng Sin Suối Hồ. Đám cưới ở đây trang phục của cô dâu chú rể nhất thiết phải từ vải lanh mới thành, đó là truyền thống tổ tiên truyền lại.
Ngoài trang phục cổ truyền trong các ngày lễ hội, thì vải lanh còn là chuyện tâm linh, là vật bất ly thân trong tang ma của đồng bào Mông. Bởi khi người Mông qua đời, trang phục mặc cho người chết lúc nhập quan phải là y phục làm từ vải lanh, như thế ở thế thế giới bên kia tổ tiên mới đón nhận họ.
Với người Mông Sin Suối Hồ, con gái trưởng thành phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, phong tục ấy như một tiêu chuẩn để cộng đồng ghi nhận sự trưởng thành. Và như một tục lệ “bất thành văn” khi người con gái về nhà chồng phải tự tay dệt được hai bộ váy. Bộ thứ nhất mặc trong ngày rước dâu, bộ thứ hai dành tặng mẹ chồng để tỏ lòng kính hiếu công sinh thành nên người mình thương. Việc tự tay dệt hai bộ váy như để khẳng định sự khéo léo, đảm đang và giáo dục của truyền thống gia đình. Về phía nhà trai cũng phải chuẩn bị một bộ trang phục để đón nàng dâu mới và bộ váy này phải đích thân tay mẹ chồng hoặc người nhà bên chồng dệt.
Để hoàn thành một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông, bà con mất khá nhiều thời gian và công đoạn, kèm theo những phụ kiện bằng kim loại rất tốn kém. Một chiếc váy hoàn chỉnh, phải cần tới 5 vuông vải lanh khổ 20 vuông. Nhưng “linh hồn” làm váy của người Mông khoe sắc phải là kỹ thuật in thêu hoa văn bằng sáp ong. Công đoạn này rất cầu kỳ, tinh xảo, phải là những người già thuần thục mới có được kỹ thuật đó.
Chị Sùng Thị Mẩy, một trong những người được các cao niên trong bản chân truyền những tuyệt kỹ về nghề này chia sẻ: “Sáp ong vốn đông cứng nên khi sử dựng phải đun chảy, rồi vẽ lên vải các họa tiết. Sau đó mang lanh nhuộm chàm, tới khi màu vải sẫm vừa đến, rồi đem nhúng vào nước sôi, khi ấy sáp sẽ tan ra và nổi các họa tiết lên vị trí đã vẽ. Lúc này trên nền màu chàm vải lanh sẽ xuất hiện các hoa văn óng ánh như những sợi bạc dát mỏng mà người thợ kim hoàn mới chế tác xong. Đây là công đoạn khá tỉ mỉ, ngoài sự khéo léo đôi tay, cần sự sáng tạo trong việc chọn sắp xếp các họa tiết sao cho phù hợp với từng trang phục theo lứa tuổi”.
Năm 2018, chị Mẩy được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu mời làm giảng viên lớp học truyền dạy vẽ hoa văn bằng sáp ong tổ chức cho hơn 40 học viên tại bản. Thực sự khi tận mắt chứng kiến quy trình vẽ sáp ong mà chị Mẩy truyền cho các học viên mới thấy được sự công phu và tâm huyết của chị đối với nghề thủ công truyền thống. Ngoài hoa văn bằng sáp ong, váy của người Mông được tô điểm bằng tài khéo léo thêu thùa của các thiếu nữ. Đó là những đường chỉ thêu có màu sặc sỡ quanh viền váy, gấu áo, cổ áo tạo nên điểm nhấn cho mỗi bộ trang phục. Qua đường nét, hoa văn trên vải cũng phần nào nhận biết tính cách của người phụ nữ.
Tại sạp hàng bày bán các trang phục thổ cẩm và đồ lưu niệm, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Sùng Thị Súa, bản Căn Câu (xã Sin Suối Hồ): “10 tuổi mình đã bắt đầu học cách se lanh, dệt vải, tập vẽ sáp từ bà và mẹ, những công đoạn, kỹ thuật đã ăn sâu vào tâm trí, lâu lâu không làm lại nhớ. Tuy làm trang phục thổ cẩm khá cầu kỳ và tốn kém, nhưng đã là phụ nữ Mông thì phải biết se lanh, dệt vải, bà chúng mình dạy thế”, Súa kể .
Súa khá thạo Anh ngữ và am hiểu lịch sử địa phương nên em được bản giao làm hướng dẫn viên khi có khách ở xa về. Qua câu chuyện biết em đã có 2 năm làm du lịch ở Sa Pa, năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng, Súa quyết định về xã cùng bà con dịch vụ homestay. Cùng với những kinh nghiệm tích lũy làm du lịch, Súa tích cực quảng bá địa danh Sin Suối Hồ tới bạn bè bốn phương. Và gia đình em là một trong những hộ tiên phong của bản làm mô hình homestay đầu tiên ở Sin Suối Hồ. Nay cô gái bản Mông đã bén duyên với chàng trai Sài Gòn, nhưng quyết không “theo chồng bỏ cuộc chơi” mà cả hai đang có những dự định mới để du lịch Sin Suối Hồ phát triển hơn nữa.
Đến hẹn lại lên, cứ vào thứ bảy Sin Suối Hồ lại nhộn nhịp với cảnh chợ phiên, tại đây du khách thoải mái lựa chọn các sản phẩm thủ công do chính tay người dân làm ra. Du khách tới chợ phiên, ngoài không gian trong lành, ẩm thực phong phú, thì điều họ quan tâm là khám phá văn hóa truyền thống bản địa. Và nghề dệt cổ truyền với kỹ thuật thêu, chắp vải, đặc biệt là nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong từ lâu vẫn được bà con duy trì. Đó chính là một trong những điều trải nghiệm thực tế thu hút khách du lịch đến với Sin Suối Hồ.
Cùng với sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng, bà con Sin Suối Hồ luôn trân quý giữ gìn nghề truyền thống. Sẽ không còn lạ lẫm với khách quốc tế, khi ghé bản với hình ảnh các cụ già cần mẫn chỉ bảo con cháu mình từng đường kim mũi chỉ, về những tinh hoa trong nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình dưới những mái nhà trình tường, hay hàng rào đá tự ngàn xưa: “Làm du lịch không khó, cái khó bà con mình biết giữ gìn bảo tồn văn hóa làm sao không đánh mất bản sắc như vậy du lịch mới thực sự bền vững” - Vàng Anh Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ khẳng định.