Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ nhân Đinh Bi khéo đan gùi, giỏi chơi chiêng

Thùy Dung - 04:30, 01/11/2022

Ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai), nghệ nhân Đinh Bi được biết đến là người có tài đan lát giỏi nhất nhì làng. Ông còn là bậc thầy trong việc đánh và truyền dạy lại các bài chiêng truyền thống, từ đó đóng góp vào công cuộc giữ gìn văn hóa dân tộc ở vùng Đông Trường Sơn.

     

Nghệ nhân Đinh Bi là một trong những người đan lát giỏi nhất nhì làng Kgiang
Nghệ nhân Đinh Bi là một trong những người đan lát giỏi nhất nhì làng Kgiang

Nghệ nhân đan lát

Trong chuyến công tác về thăm làng Kgiang để tìm hiểu những di sản văn hóa của người Ba Na, chúng tôi được người làng giới thiệu về nghệ nhân Đinh Bi người có tài đan lát, đánh chiêng giỏi nhất nhì ở làng.

Đi qua hơn 68 mùa rẫy, đôi mắt của nghệ nhân Đinh Bi cũng không còn tinh tường như trước. Đôi chân ông cũng đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, vì thế ông không thể lo chuyện đồng áng. Mỗi ngày bên hiên nhà nhỏ, ông miệt mài ngồi đan gùi, rổ rá... Một phần sản phẩm làm ra để phục vụ sinh hoạt và trang trí trong gia đình, một phần ông bán cho người dân khi họ muốn mua.

Mân mê chiếc gùi  đang đan dở, nghệ nhân Đinh Bi bộc bạch: “Từ ngày đôi chân bị đau nhức, mình không ra đồng được nên chủ yếu ở nhà đan gùi kiếm thêm thu nhập. Nguồn nguyên liệu là do các con lấy về, mình đan từ sáng đến tối, lúc nào mỏi lưng, mỏi mắt thì lại nằm nghỉ ngơi. Tuổi già sức yếu mắt cũng kém đi, vì thế muốn làm gùi đẹp thì phải đeo kính”.

Nghệ nhân Đinh Bi mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ông học nghề đan gùi từ những người đàn ông trong làng. Mỗi chiếc gùi được hoàn thiện, yêu cầu người đan phải tỉ mỉ, kĩ thuật đan phải khéo léo, vót nan phải đều tay,… Từ cách đan lát cơ bản, ông tự học hỏi thêm để làm gùi họa tiết. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, hiện nay ông là một trong số ít người ở làng Kgiang biết đan gùi họa tiết.

“Gùi họa tiết thường khó và yêu cầu cao nên ít người biết làm. Vì thế, gùi họa tiết có giá thành cao hơn gùi thường và được nhiều người ưa chuộng. Để làm hoàn thiện một chiếc gùi họa tiết, phải mất hơn 20 ngày, giá bán khoảng 1.500.000 ngàn đồng/chiếc. Còn gùi thường thì giá dao động khoảng 300.000-600.000 ngàn đồng”, nghệ nhân Đinh Bi chia sẻ.

Những chiếc gùi họa tiết sắc sảo được nghệ nhân Đinh Bi đan rất tỉ mỉ có giá trị khoảng 1.500.000 đồng/chiếc
Những chiếc gùi họa tiết sắc sảo được nghệ nhân Đinh Bi đan rất tỉ mỉ, có giá trị khoảng 1.500.000 đồng/chiếc

Theo lời nghệ nhân Đinh Bi, nhờ nghề đan lát truyền thống, ông có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Với tài đan lát của mình, ông thường xuyên được tham gia các hội thi, ngày văn hóa các dân tộc do các cấp tổ chức. Tại đây, ông cũng đã đan lát, trưng bày các sản phẩm. Nhờ vậy, những chiếc gùi, rổ, rá,… của ông cũng đã vươn ra nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

“Khi đi trình diễn, tham gia các hội thi, những sản phẩm bán rất chạy. Vợ mình là Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, khi bà được mời ra Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội cũng mang theo gùi của mình đi. Nhờ vậy, mình cũng có thêm tiền để trang trải cuộc sống”, nghệ nhân Đinh Bi phấn khởi chia sẻ.

Nhờ có nghề đan lát truyền thống, nghệ nhân Đinh Bi có thêm thu nhập
Nhờ có nghề đan lát truyền thống, nghệ nhân Đinh Bi có thêm thu nhập

Bậc thầy cồng chiêng

Không chỉ giỏi trong lĩnh vực đan lát, nghệ nhân Đinh Bi còn là bậc thầy về đánh chiêng của làng Kgiang. Như bao thanh niên trai tráng cùng thời, nghệ nhân Đinh Bi cũng được người làng truyền cho cách đánh chiêng truyền thống. Năm 15 tuổi, ông đã thuộc lòng và đánh thuần thục các bài chiêng. Nhiều năm qua, cùng với các nghệ nhân đánh chiêng ở làng, ông đã góp sức mình vào việc giữ gìn văn hóa quý báu của người Ba Na.

“Lớn lên trong tiếng chiêng, điệu xoang của người làng nên mình đã học đánh chiêng từ lúc còn bé và gìn giữ cho tới bây giờ. Ở trong nhà, mình cũng sưu tập được một bộ chinh, chiêng. Đối với mình, âm nhạc cồng chiêng có ý nghĩa rất lớn. Cồng chiêng gắn bó với con người Tây Nguyên từ khi sinh ra cho đến khi về với ông bà. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chính là tâm hồn của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Vì vậy, mình luôn tìm cách gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này”, nghệ nhân Đinh Bi tâm sự.

Ngoài tài đan lát, nghệ nhân Đinh Bi còn là bậc thầy đánh chiêng ở làng Kgiang
Ngoài tài đan lát, nghệ nhân Đinh Bi còn là bậc thầy đánh chiêng ở làng Kgiang

Với tài năng của mình, ông đã dìu dắt các thế hệ người làng Kgiang đánh chiêng. Hiện nay, ông đang truyền dạy các bài chiêng cho phụ nữ ở làng. Bà Đinh Thị Lăm chia sẻ: “Đàn bà trước nay chỉ biết múa xoang, còn việc đánh chiêng là của đàn ông. Tuy nhiên hiện nay, nhiều làng có phụ nữ cũng đã biết đánh chiêng. Nhận thấy điều này, mình cùng các chị em đã nhờ nghệ nhân Đinh Bi dạy. Hơn một tháng nay, được nghệ nhân chỉ dạy, chị em trong làng đã biết đánh nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc mình”.

Tiếp lời bà Đinh Thị Lăm, nghệ nhân Đinh Bi chia sẻ: “Văn hóa truyền thống càng được nhiều người học, gìn giữ là điều đáng mừng. Bởi vì hiện nay, cùng với sự đi lên của xã hội hiện đại, nhiều làng đồng bào DTTS đã không còn gìn giữ được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Khi các chị em ngỏ ý muốn học thì mình đã nhận lời dạy với hi vọng phát huy và gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng”.

Cả một đời gắn liền với nương rẫy, trải qua bao thăng trầm vất vả, nghệ nhân Đinh Bi vẫn giữ cho mình một tình yêu bất tận với văn hóa truyền thống của dân tộc. Đánh chiêng hay, đan lát giỏi nên ông thường xuyên được mời tham dự các hội thi, đêm diễn trên địa bàn và đạt nhiều giải cao.

Vừa qua, ông là 1 trong 10 nghệ nhân của tỉnh Gia Lai được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt thứ 3/2022 vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Ông Trần Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết: Nghệ nhân Đinh Bi là một trong những tấm gương sáng điển hình trong công tác gìn giữ các văn hóa dân tộc của người Ba Na tại địa phương. Ông còn là bậc thầy trong việc truyền dạy về nghề đan lát, đánh chiêng cho người dân trên địa bàn, từ đó đóng góp vào công cuộc gìn giữ văn hóa dân tộc. Vừa qua, ông vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, đây là một danh hiệu rất quý giá và có ý nghĩa động viên rất lớn đối với nghệ nhân để họ có thêm trách nhiệm với bản thân và cộng đồng trong công tác gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.