Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người Ơ Đu trên hành trình phát triển: Cơ hội mới để đồng bào phát triển (Bài 2)

An Yên - 08:43, 11/11/2023

Dân tộc Ơ Đu là một trong số ít các DTTS rất ít người có đầy đủ chữ viết, tiếng nói và còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán riêng có. Trong quá trình lập bản, xây mường, đồng bào Ơ Đu di chuyển nhiều chỗ ở nhưng vẫn giữ được những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào đã vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển.

Bản Văng Môn của người Ơ Đu ngày càng đổi mới
Bản Văng Môn của người Ơ Đu ngày càng đổi mới

Giữ hồn cốt dân tộc

Sau bao cuộc di chuyển chỗ ở nhưng những giá trị văn hóa truyền thống như đan lát, dệt, thêu trang phục... của người Ơ Đu ở Tương Dương vẫn còn được đồng bào lưu giữ, trao truyền. Bằng chứng rõ nhất ở bản Văng Môn, xã Nga My là hình ảnh những người phụ nữ dệt vải, thêu váy, những người đàn ông đan lát vẫn hiện hữu trong nhiều ngôi nhà.

Bà Vi Thị Dung, 76 tuổi – được xem là một trong những “cây cao bóng cả” ở Văng Môn. Trò chuyện chúng tôi được biết, cụ Dung có mẹ là người Ơ Đu, bố là người Thái, chồng bà là ông Lo Hồng Phong - nguyên là cán bộ lãnh đạo xã nên có tư tưởng tiến bộ, luôn tạo điều kiện cho vợ tham gia hoạt động xã hội. Vì thế, bà Dung được kết nạp Đảng khi tròn 20 tuổi, thời điểm kết nạp Đảng bà đang là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Kim Hòa, xã Kim Đa (xã cũ của huyện Tương Dương trước khi di dời làm dự án thủy điện bản Vẽ).

Vào Đảng sớm, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, bà Dung không chỉ cố gắng làm tròn công việc ở thôn, bản mà còn trở thành hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nay ở tuổi “cổ lai hi”, bà Dung còn là nhân tố điển hình trong bảo tồn nghề dệt của đồng bào Ơ Đu "Khi rảnh rỗi, tôi lại dệt vải, vừa cho khuây khỏa, vừa là cách để cho thế hệ con cháu mình biết được dân tộc Ơ Đu có nghề dệt mà bảo tồn, gìn giữ"- bà Dung cho hay.

Cụ Vi Thị Dung, 76 tuổi, vẫn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình
Cụ Vi Thị Dung, 76 tuổi, vẫn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình

Để duy trì tiếng nói và chữ viết Ơ Đu, ngoài bày dạy cho con trẻ, những người lớn tuổi ở Văng Môn đã thực hiện các nghi lễ cổ truyền bằng tiếng Ơ Đu như nhắc nhở bà con dân bản chú ý bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc. Ông Lo Văn Cường- thầy mo bản Văng Môn, xã Nga My cho biết: Người Ơ Đu có lễ đón tiếng sấm đầu năm mới. Đó là lễ lớn nhất của bà con được tổ chức vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm nào, tôi cũng soạn lời và nói bằng tiếng Ơ Đu để hành lễ. Mình làm thế là để nhắc nhở bà con dân bản chú ý bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc hơn.

Theo ông Lo Văn Tình, Bí thư Chi bộ bản Văng Môn: Trước đây, lễ đón tiếng sấm đầu năm chủ yếu do hộ gia đình tự tổ chức, còn bây giờ bản đứng ra tổ chức để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu. Sau phần cúng bằng tiếng Ơ Đu do thầy mo thực hiện, là đến phần hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực.

Về kiến trúc nhà ở, ngoài những ngôi nhà mẫu theo dự án TĐC, nhiều hộ Ơ Đu ở bản Văng Môn vẫn dựng nhà sàn theo lối truyền thống của dân tộc. Kiến trúc nhà ở của người Ơ Đu thường có 4 mái, lớp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột chôn, một ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà 1 hay 3 gian. Khi dựng, bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính (cột góc ma nhà ở) trước, sau đó mới đến các cột khác theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.

Phụ nữ ở Văng Môn vẫn giữ nghề dệt truyền thống
Phụ nữ ở Văng Môn vẫn giữ nghề dệt truyền thống

Bên cạnh thế hệ cao tuổi, lớp người trẻ ở Văng Môn cũng đang được kỳ vọng là những "sứ giả" lan truyền văn hóa, bản sắc dân tộc Ơ Đu mai sau. Được học hành đầy đủ nên nhận thức người dân Ơ Đu càng được nâng cao. Những người trẻ của tộc người Ơ Đu được học hành, đã rời bản làng đi làm việc ở nhiều miền quê khác; thậm chí, công tác tại các xã trong huyện. Họ, chính là những “sứ giả” gìn giữ và lan tỏa văn hóa của tộc người mình nơi miền tây xứ Nghệ. Bởi một lẽ dĩ nhiên, như ai đó đã nói, khi con người ta có đầy đủ hiểu biết, có cuộc sống tốt hơn thì thường quay trở lại tìm hiểu, khôi phục, bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, dòng họ mình. 

Ngoài 65 lao động đi làm ăn xa, 5 sinh viên tốt nghiệp và có việc làm ổn định tại các xã trên địa bàn huyện… thì một trong những người trẻ được kỳ vọng ở Văng Môn là Lo Thị Hằng, sinh năm 1995. Học ngành kĩ sư nông nghiệp trường Đại học Vinh, Hằng không đi đâu xa kiếm việc làm mà có suy nghĩ là về tham gia hoạt động tại thôn bản để góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trợ lực từ các chương trình, chính sách

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, năm 20217 tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí 120 tỷ đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của người Ơ Đu ở bản Văng Môn được xây dựng khang trang
Nhà sinh hoạt cộng đồng của người Ơ Đu ở bản Văng Môn được xây dựng khang trang

Theo đó, bản Văng Môn đã được đầu tư 15 giếng khoan; 20 khung cửi phát triển nghề dệt may truyền thống; 77 chuồng bò xây mới kiên cố và 304 con bò giống; 77 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5 ha đất trồng cỏ và cung cấp cỏ giống. Đặc biệt, nhà văn hóa của bản được xây dựng với kinh phí 4,5 tỷ đồng, cùng các thiết bị loa đài đầy đủ để hỗ trợ đội văn nghệ của bản hoạt động và đây còn là nơi còn là nơi dạy các khóa học tiếng Ơ Đu...

Bí thư đảng ủy xã Nga My Kha Văn Lập cho hay: Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên, nhiều hộ dân đã chú trọng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi bò và có thu nhập ổn định. Các phong trào văn hóa, văn nghệ được người Ơ Đu gìn giữ và phát huy.

Dù vậy thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của người Ơ Đu vẫn còn cao, chiếm gần 60%. Khó khăn hiện nay ở bản Văng Môn là trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân Ơ Đu trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chưa chú trọng đầu tư vào sản xuất vươn lên làm giàu, một số người dân chưa biết cách làm ăn, chưa áp dụng khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp... dẫn đến đói nghèo vẫn hiện hữu với tỷ lệ lớn.

Chăn nuôi bò là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào Ơ Đu ơ Văng Môn
Chăn nuôi bò là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào Ơ Đu ơ Văng Môn

Để phát triển bền vững người Ơ Đu, nhiều chương trình, dự án thuộc chương trình MTQG 1719 đã được đầu tư ở Văng Môn, góp thêm nguồn lực để bà con Ơ Đu xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, người Ơ Đu được hưởng dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở theo dự án 1; hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân theo tiểu dự án 1 của dự án 3; hỗ trợ đối với bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi theo tiểu dự án 1 của dự án 9; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây đu đủ đực…

Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho rằng: Người Ơ Đu đang đổi mới và phát triển từng ngày. Trong niềm vui và thành công đó, có sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cộng đồng người dân; có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị .Do đó, sự hỗ trợ, đầu tư theo Chương trình MTQG 1719 sẽ là “trợ lực” quan trọng để đồng bào tiếp tục vươn lên phát triển toàn diện, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.