Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người Ơ Đu trên hành trình phát triển: Vượt khó vươn lên (Bài 1)

An Yên - 20:05, 09/11/2023

Dân tộc Ơ Đu là một trong 14 DTTS rất ít người, cư trú tại xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Những năm qua, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào có khó khăn đặc thù, đồng bào Ơ Đu đã ý thức tự vươn lên để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Tuy nhiên, trên thực tế, với điểm xuất phát thấp, điều kiện môi trường sống ở những nơi hẻo lánh, thường bị ảnh hưởng từ thiên tai, lũ lụt...cuộc sống của người Ơ Đu còn muôn vàn khó khăn. Để đồng bào phát triển toàn diện bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 đã thiết kế riêng Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiếu số rất ít người và nhóm dân tộc còn khó khăn.

Cuộc sống của người Ơ Đu đang đổi thay rừng ngày nhờ phát triển chăn nuôi
Cuộc sống của người Ơ Đu đang đổi thay từng ngày nhờ phát triển chăn nuôi

Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu

Năm 2006 đánh một dấu mốc quan trọng với bà con Ơ Đu, khi họ được di dời từ những nơi khó khăn, hẻo lánh về tái định cư (TĐC) tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Hơn 17 năm ở vùng đất mới, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay tích cực. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hằng năm. Bí thư đảng ủy xã Nga My - Kha Văn Lập hào hứng kể: Thời điểm mới chuyển về TĐC vào năm 2006 tại bản Văng Môn, tỉ lệ hộ nghèo của người Ơ Đu gần như 100%, thì nay con số đó đã giảm gần một nửa.

Ông Lo Văn Tiến là một trong những hộ khá ở Văng Môn
Ông Lo Văn Tiến là một trong những hộ khá ở Văng Môn

Được thụ hưởng từ dự án TĐC nên bộ mặt bản làng khang trang, sạch đẹp hơn. Nổi bật giữa màu xanh sẫm của núi rừng, là những ngôi nhà của người Ơ Đu được xây dựng theo kiểu mẫu. Nhà sinh hoạt cộng đồng thì được đầu tư xây dựng, trở thành một trong những nhà cộng đồng bề thế nhất khu vực Tây Nghệ An. Hệ thống đường giao thông nội bản được bê tông sạch đẹp. Về ở khu TĐC, bản làng được quy hoạch nằm sát quốc lộ 48C, có thể thông thương sang huyện Quỳ Hợp, xuôi huyện Con Cuông rất thuận tiện.

Hiện nay, 100% hộ dân Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% người dân được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân được thực hiện đầy đủ như hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tiền điện, tiền tết, gạo cứu đói, vay vốn phát triển kinh tế…

Toàn bản Văng Môn có 102 hộ, thì 100% số hộ được thụ hưởng dự án hỗ trợ bò giống, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài hơn 200 con bò của dự án, cả bản còn có hơn 100 con trâu, hàng trăm con dê, hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gia cầm các loại. Ngoài chăn nuôi, cả bản trồng 14,5ha cỏ voi, 8ha sắn, 1,5ha ngô, 30ha keo. 

Lãnh đạo xã Nga My khoe: Người dân biết chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, biết trồng cỏ làm thức ăn. Nhận thức về chăn nuôi, trồng trọt đã nâng lên một bước nên đời sống ngày một khấm khá hơn xưa.

Trẻ em ở Văng Môn được đến trường đầy đủ
Trẻ em ở Văng Môn được đến trường đầy đủ

Những nhân tố mới

17 năm TĐC, từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho đồng bào có khó khăn đặc thù, đồng bào Ơ Đu đã ý thức tự vươn lên để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, kiến thiết, dựng xây cuộc sống trên vùng đất mới. Về Văng Môn hôm nay, không khó để tìm gặp những lão nông miền sơn cước cần mẫn, chăm chỉ mang khát vọng làm giàu. Trong số những hộ dân khấm khá nơi đây, thì hộ ông Lo Văn Tiến được ví như “cánh chim đầu đàn” trong phát triển kinh tế của bản. Ông Tiến cho biết: nhà ông đang sở hữu 20 con trâu bò, 4 con lợn, 100 con gà vịt, 5ha sắn. Cộng thêm thu nhập từ nghề mộc, mỗi năm gia đình cũng để ra được 100 triệu đồng. 

Với ông Lo Văn Cường, bản thân không chỉ là Người có uy tín, mà còn là thầy mo của bản. Ngoài việc nói điều hay, lẽ phải, ông Cường còn là điển hình trong phát triển kinh tế. Ông Cường bảo: Mình là Người có uy tín, muốn bà con tin theo thì mình phải làm tốt đã. Nhìn “gia thế” ông Cường, nhiều hộ đã từng mơ ước. Ở thời điểm chăn nuôi nhiều, nhà ông có gần 20 con trâu bò, 40 con gà và hơn 1ha keo. Còn con cái của ông, đứa đầu là Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nga My và con thứ là Phó trưởng Công an xã Nhôn Mai (Tương Dương).

Nhà ở TĐC của người Ơ Đu ở Văng Môn
Nhà ở TĐC của người Ơ Đu ở Văng Môn

Ở Văng Môn, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều những tấm gương điển hình của người Ơ Đu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc như: Bí thư Chi bộ Lo Xuân Tình và Trưởng bản Lương Thị Lan; vợ chồng ông Lo Văn Tới và Lo Thị Nga...

Điều đáng mừng, những người trẻ ở bản Văng Môn đang trở thành những nhân tố mới, nhân tố tích cực để xây dựng Văng Môn ngày càng phát triển. Trong số những người trẻ ấy phải kể đến em Lo Thị Hằng, sinh năm 1995. Sau khi tốt nghiệp ngành kĩ sư nông nghiệp trường Đại học Vinh, Hằng về tham gia hoạt động tại bản và được bầu là đại biểu HĐND xã.

 Đặc biệt, Chi bộ bản có 20 đảng viên, thì 50% trong số đó là người trẻ tràn đầy ý chí và khát vọng. Theo lãnh đạo địa phương, những năm gần đây ở bản Văng Môn đã có nhiều người Ơ Đu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, có 5 người đã được bố trí công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước như bác sĩ, công an, cán bộ xã…

Người dân ở bản Văng Môn đi lấy cỏ về phục vụ chăn nuôi
Người dân ở bản Văng Môn đi lấy cỏ về phục vụ chăn nuôi

Gần 20 năm trước, bản Văng Môn, xã Nga My còn là vùng đất hoang vu với núi đồi và cỏ dại. Nay vùng đất ấy đang hiển hiện một bản làng bình yên với những con đường bê thông phẳng lì, những nếp nhà kiên cố khang trang. 

Nói về Văng Môn hôm nay sẽ là nụ cười của những em thơ vui bước tới trường, là  những lão nông cần cù chịu khó và một thế hệ trẻ với khát vọng vươn lên. Và trong hành trình phát triển ấy, người Ơ Đu luôn ý thức về việc giữ gìn, trao truyền những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Có như vậy, cội nguồn dân tộc mới không bị nhạt phai và biến mất theo thời gian.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.