Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Mưu sinh mùa nước nổi

Phương Nghi - 18:25, 19/10/2021

Theo vòng quay của tạo hóa, mỗi năm vào thời điểm này con nước lũ lại về với đồng bằng châu thổ. Năm nay, mùa nước nổi đến muộn hơn so với mọi năm, nhưng cũng tạo nên hình ảnh nhộn nhịp của hoạt động đánh bắt thủy sản trên sông, trên đồng sau khi các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội.

Nước tràn đồng và chuyển dần sang màu đỏ phù sa báo hiệu mùa nước nổi đã về. Đây cũng là thời điểm người dân đánh bắt thủy sản trên đồng
Nước tràn đồng và chuyển dần sang màu đỏ phù sa báo hiệu mùa nước nổi đã về. Đây cũng là thời điểm người dân đánh bắt thủy sản trên đồng

Khoảng 10 ngày nay, trên những cánh đồng đầu nguồn thuộc các huyện, thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), Tân Châu, An Phú (tỉnh An Giang), đã bắt đầu đón những con nước tràn đồng. Nước chuyển dần sang màu đỏ phù sa cũng là lúc cá linh non xuất hiện.

Đón con nước lũ năm nay, anh Trần Văn Mừng (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) chuẩn bị 20 tay lưới để đánh bắt cá. Theo anh Mừng: “Những tay lưới của anh đã thu về gần chục ký cá đồng mỗi ngày, vừa giúp cải thiện bữa cơm gia đình, vừa mang về thu nhập, giúp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Còn chú Nguyễn Văn Man ở ấp Phú Yên (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu, An Giang) cũng thông tin: Lũ năm nay về muộn nên cá cũng ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, vào mùa nước nổi là gia đình cũng có thêm chút thu nhập từ đánh bắt thủy sản. Thời điểm này, cá linh non chỉ lớn bằng đầu đũa, người dân chủ yếu đánh bắt cá dưới sông, kênh rạch, sản lượng chưa bằng 20% so với đầu mùa lũ những năm trước. Gia đình tui có 3 cái dớn đặt dưới sông, mỗi ngày kiếm khoảng 4-5kg cá linh non. Đánh được ký cá nào là tư thương đến tận nhà mua hết.

Anh Trần Văn Mừng, xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi khi mỗi ngày giăng lưới thu được gần chục ký cá đồng
Anh Trần Văn Mừng, xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi khi mỗi ngày giăng lưới thu được gần chục ký cá đồng

Những năm trước, mỗi khi lũ về, mỗi ngày cư dân đầu nguồn đánh được hàng chục, thậm chí hàng trăm ký cá linh non để bán cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi. Nhưng năm nay lũ muộn, cá ít hơn mọi năm. Hiện nay, tại các chợ đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, các tiểu thương thu gom cá linh non chỉ được vài ký mỗi người nên giá bán rất cao. Giá cá linh non còn sống vào khoảng 250.000 đồng/kg, cá lóc đồng 140.000 đồng/kg, cá sặc đồng 70.000 đồng/kg, ếch đồng 90.000 đồng/kg, cá thiểu 70.000 đồng/kg. Nhiều sản vật khác như bông súng, điên điển, rau muống đồng cũng đã có mặt tại chợ.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang) hái bông điên điển để bán, kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang) hái bông điên điển để bán, kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi

Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc…, nhiều hộ còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập. Những chuyến đi khai thác thủy sản bắt đầu từ tờ mờ sáng trên tắc ráng, vỏ composite gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước, buổi trưa cập bến để mang sản vật lên vựa cân đong bán cho thương lái. Từ những vựa thu mua này, sản vật mùa lũ được vận chuyển ra các chợ để bán.

Mùa nước nổi cũng là mùa điên điển trổ bông. Dọc theo tuyến kênh ngút tầm mắt là đồng nước mênh mông và những rặng điên điển đang vào mùa trổ bông vàng rực. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phú Hội (huyện An Phú) cho biết: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán cũng được trên 30.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm rất tươi ngon. Vào mùa nước nổi, mỗi ngày tôi cũng hái được năm ba ký, có thêm chút thu nhập để phụ thêm tiền học cho con”, anh Tuấn bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.