Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

T.Nhân - H.Trường - 3 giờ trước

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.

Phát huy vai trò của Người có uy tín, ông Trần Đình Sách đã nổ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phát huy vai trò của Người có uy tín, ông Trần Đình Sách đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Nhằm giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nâng cao kiến thức về pháp luật, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Bên cạnh đó, Ban cũng phát huy vai trò của những già làng, Người có uy tín để việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả hơn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có gần 600 Tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Họ là những già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư... tham gia tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Đội ngũ này thường xuyên được tham gia tập huấn, phổ cập các kiến thức về pháp luật.

“Đội ngũ già làng, Người có uy tín sinh sống tại địa phương, cùng chung ngôn ngữ, gần gũi với bà con, am hiểu về các phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương nên thuận lợi trong tiếp cận, tuyên truyền và vận động bà con tuân thủ pháp luật, xây dựng gia đình hòa thuận, cộng đồng đoàn kết”, ông Hồ Công Thành, Phó trưởng Phòng Chính sách và Tuyên truyền - Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết.

Ông Trần Đình Sách, Người có uy tín ở Tổ dân phố 3, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn thông tin: Là một cán bộ ngành Tư pháp về hưu, tôi nhận thấy nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn phần lớn là xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật.

Anh Hồ Văn Lắm - Người có uy tín ở Phước Sơn có vai trò quan trọng trong việc chung sức cùng chính quyền tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Anh Hồ Văn Lắm, Người có uy tín ở Phước Sơn có vai trò quan trọng trong việc chung sức cùng chính quyền tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Những mâu thuẫn chủ yếu đến từ đất đai, tài sản, nên bằng kinh nghiệm của mình, tôi giải thích, phân tích để người dân nắm rõ hơn về luật, từ đó hòa giải với nhau. Trong trường hợp không hòa giải được, chúng tôi cũng phân tích rõ về góc độ pháp luật để người dân thực hiện cho đúng, tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc về sau.

Ông Sách cũng là người đóng góp vai trò quan trọng về việc tuyên truyền nhằm xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo ông Sách, trước đây ở địa phương có xảy ra một số trường hợp như người dân bị đau ốm, thay vì đưa tới bệnh viện, thì người nhà lại tổ chức cúng bái. Hay có trường hợp, người nhà của người bệnh còn đâm trâu để cúng.

“Chúng tôi kiên trì vận động để người dân nâng cao nhận thức, không còn tin vào những chuyện viển vông như thế nữa. Người có bệnh thì nên đưa đến bệnh viện để bác sĩ chuẩn đoán và chữa trị. Chưa có cơ sở nào để nói rằng cúng bái sẽ hết bệnh, không những thế, cúng bái rất tốn kém”, ông Sách chia sẻ thêm.

Còn ở Bắc Trà My, anh Phạm Xuân Nghĩa được người dân yêu mến gọi là “già làng” khi chỉ mới 30 tuổi. Trong 7 năm làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 xã Trà Ka, anh góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) tránh xa các tệ nạn, đoàn kết xây dựng đời sống văn minh, bản làng phát triển. Để bà con tin tưởng và nghe theo, anh Nghĩa đã tiên phong trong việc làm ăn kinh tế, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Không chỉ là nghệ nhân gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu, già Bhling Blóo còn là cây cao bóng cả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.
Không chỉ là nghệ nhân gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu, già Bhling Blóo còn là cây cao bóng cả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân

Già Bhling Blóo là một trong những “cây cao bóng cả” trong việc tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang) thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Theo kinh nghiệm của già, để bà con tin tưởng và nghe theo, trước tiên mình phải tiên phong trong gia đình, khuyên bảo con cháu hòa thuận, vươn lên làm ăn, không bê tha dính vào các tệ nạn.

“Đối với bà con, mình phải nói làm sao vừa có lý, lại hợp cái tình thì họ mới nghe. Vì vậy, mình phải thường xuyên cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải gần gũi để hiểu những tâm tư, nguyện vọng của bà con thì mới tuyên truyền được tốt. Trong nhiều cuộc hòa giải tranh chấp, bên cạnh phân tích góc độ pháp luật của vụ việc, mình còn chia sẻ thêm về cái được, cái mất để người dân có cái nhìn đa chiều hơn”, già Blóo nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn lại có nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, đẩy lùi các tập tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ông nói: Những năm trước đây, Phước Sơn tồn tại nhiều hủ tục. Khi sinh con, đám hiếu, chữa bệnh… nhiều gia đình vẫn nặng về khâu cúng lễ rất tốn kém.

Đơn cử như trước đây, trong làng có người sinh đôi thì chỉ giữ lại một con, gia đình còn phải mua bò hoặc heo để cúng cho làng. Hay với trường hợp gia đình có người bị bệnh, thay vì đưa đến bệnh viện thì người dân lại thuê thầy về cúng và đãi heo cho cả làng ăn. Trước đây, khi đi chôn cất người đã mất, họ thường chôn rất cạn và lo chạy về vì sợ… con ma theo về làng quấy phá…

Những Người có uy tín đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động.
Những Người có uy tín đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động

Theo ông Dũng, việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải phân tích, giải thích để người dân dần thay đổi nhận thức. “Nhiều người trẻ ở làng đi học dưới các thành phố, huyện thị, họ thấy được cách làm ở dưới xuôi rất hay nên khi mình tuyên truyền thì họ thấy đúng và nghe theo. Mọi người cùng nhau góp ý kiến, từ đó những hủ tục dần được bãi bỏ”, ông Dũng nói thêm.

Quảng Nam hiện có 386 Người có uy tín tại các thôn, làng, khu phố vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong những năm qua, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, họ có những đóng góp thiết thực trong việc vận động bà con vươn lên phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật, đặc biệt là vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Không những là gương điển hình về kinh tế, anh Hồ Văn Lắm (40 tuổi, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn) còn thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “Mình chia sẻ với người dân, nhất là những bạn trẻ về những hệ lụy mà tảo hôn gây ra, qua đó giúp họ nâng cao được hiểu biết mà tránh xa. Ngoài ra, trong các cuộc họp thôn, mình cũng đóng góp ý kiến, tuyên truyền về vấn đề này theo kiểu mưa dầm thấm lâu”, anh Lấm nói.

Theo ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam: Có thể khẳng định, già làng, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh là lực lượng đặc biệt, đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và góp phần không nhỏ trong việc phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

“Sự tận tụy và tâm huyết của đội ngũ Người có uy tín đã tạo nên những chuyển biến tích cực từ việc nâng cao ý thức pháp luật đến bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đi đầu trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho Người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để lực lượng này phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đời sống cộng đồng”, ông A Lăng Mai chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Để triển khai có hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, có nội dung cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân.