Cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.281 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, giữ vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Hệ thống Dân vận, MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, vận động và triển khai các chính sách, dự án đến vùng đồng bào DTTS, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Điển hình như ông Triệu Văn Nguyên, dân tộc Dao ở thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, đã góp phần quan trọng trong việc phổ biến pháp luật và thay đổi nhận thức của đồng bào về các hủ tục lạc hậu.
Ông Nguyên chia sẻ: “Những năm qua, tôi tập trung vận động bà con bỏ những phong tục không còn phù hợp, như việc tổ chức đám cưới, đám tang quá phô trương, gây tốn kém. Để bà con thay đổi, cần phải kiên trì giải thích, giúp họ hiểu và tin tưởng vào những điều tốt đẹp mà pháp luật và chính sách hướng tới”.
Nhờ sự kiên trì của ông Nguyên và sự tham gia của những Người có uy tín khác, đến nay, nhiều phong tục trong cộng đồng người Dao đã được điều chỉnh, góp phần xây dựng một đời sống văn minh, tiết kiệm hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền pháp luật, Người có uy tín còn là những người gương mẫu trong phát triển kinh tế. Họ chủ động xây dựng mô hình kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để khuyến khích bà con phát triển, nâng cao thu nhập.
Một trong những yếu tố giúp Người có uy tín tạo sự tin tưởng và đồng lòng từ người dân chính là tinh thần tiên phong trong phát triển kinh tế. Bà Hoàng Thị Định, dân tộc Thổ, Người có uy tín ở thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, là một tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế gia đình và vận động người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Điển hình là bà Định đã rất tích cực vận động bà con hiến đất để làm đường, đồng thời tổ chức các phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường.
“Tôi luôn cố gắng đi đầu, làm gương cho bà con. Việc hiến đất, làm đường, cải tạo cảnh quan là để tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng. Khi thấy tôi tiên phong, bà con cũng đồng lòng tham gia”, bà Định chia sẻ.
Không chỉ vậy, bà Định còn hỗ trợ bà con xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, khuyến khích bà con trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất theo hướng bền vững. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại Xuân Hợp đã đạt trên 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3 hộ, là minh chứng cho những nỗ lực của bà và sự đồng thuận của người dân.
Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới
Tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, già làng Lò Văn Khằng, đã trở thành Người có uy tín, được đồng bào dân tộc Khơ Mú trong khu phố kính trọng và tin cậy, bởi cách sống mẫu mực của ông. Ông là một "nhịp cầu nối" giữa chính quyền và người dân, đã góp nhiều công sức cùng chính quyền vì cuộc sống của 169 hộ dân, 786 nhân khẩu trong khu phố.
Trên cương vị của mình, ông Khằng đã chủ động phối hợp cùng các cán bộ khu phố để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi những tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh. Ông chia sẻ, việc thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống không chỉ là lý thuyết suông mà là những hành động cụ thể, từ việc chuyển đổi canh tác từ phương thức truyền thống "chọc lỗ, tra hạt" sang trồng lúa nước, trồng sắn, đến việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở để giữ vệ sinh môi trường. "Để bà con tin tưởng và làm theo, tôi xác định phải "miệng nói, tay làm". Chỉ khi nhìn thấy hiệu quả, bà con mới tin và làm theo", ông nói.
Một trong những đóng góp quan trọng của ông Khằng, là giúp bà con loại bỏ những hủ tục trong cưới hỏi, ma chay và lễ hội, để mọi sinh hoạt cộng đồng diễn ra một cách văn minh, tiết kiệm. Nhờ sự hướng dẫn và vận động của ông, bà con đã thay đổi từ việc tổ chức tang lễ, cưới hỏi theo phong tục cũ tốn kém sang cách thức gọn nhẹ, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế và nếp sống hiện đại. Không chỉ vậy, ông Khằng còn vận động bà con di dời chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường sống.
Cùng với đó, ông Khằng cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khơ Mú. Các lễ hội và nghi thức của đồng bào như Lễ cúng mùa, Lễ hội mừng cơm mới được duy trì, là dịp để người dân cùng nhau ôn lại truyền thống và gìn giữ bản sắc dân tộc. Chính nhờ sự tâm huyết và uy tín của ông, mà người dân khu phố Đoàn Kết vừa có cuộc sống văn minh hiện đại, vừa bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Theo bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, Người có uy tín chính là “cánh tay nối dài” của Đảng và chính quyền, giúp truyền tải chính sách một cách hiệu quả nhất đến từng thôn, bản, từng gia đình. Với sự am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương và lòng kính trọng từ người dân, Người có uy tín đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc phổ biến pháp luật, bảo vệ an ninh, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của Người có uy tín, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, động viên nhằm phát huy vai trò của họ.
Hiện tại, Người có uy tín được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách dân tộc, phát triển kinh tế, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sự động viên về vật chất và tinh thần, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình, giúp họ tự tin hơn khi vận động bà con thực hiện chính sách và pháp luật.
Hằng năm, Người có uy tín còn tham gia vào các cuộc họp, hội thảo do chính quyền địa phương tổ chức để thảo luận, đóng góp ý kiến, giúp xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Sự tham gia tích cực này, không chỉ góp phần giải quyết khó khăn cho vùng đồng bào DTTS mà còn tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Họ không chỉ là những “cánh chim đầu đàn” khởi xướng, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là những người giữ lửa văn hóa dân tộc.