Tận tụy với bản làng
Tại huyện Mường Lát, một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, vai trò của Người có uy tín luôn được đặc biệt coi trọng. Những già làng, trưởng bản không chỉ là "cầu nối" quan trọng giữa Đảng, chính quyền với người dân, mà còn là những người tiên phong trong công cuộc vận động, dẫn dắt đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Già làng Lò Văn Khằng, dân tộc Khơ Mú sống tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, là một minh chứng sống động.
Chúng tôi tìm đến khu phố Đoàn Kết vào một buổi chiều cuối tháng 10. Con đường dẫn vào bản khang trang với những căn nhà sàn kiên cố, khác hẳn với hình ảnh ngôi làng nghèo khó với những căn nhà mái lá lụp xụp của trước kia.
Già Khằng, trong bộ trang phục dân tộc, tiếp đón tôi bằng nụ cười thân thiện. "Khu phố Đoàn Kết có 169 hộ, với 786 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Trước đây, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào việc trỉa ngô trên nương, trên rẫy, cuộc sống rất vất vả. Giờ đây, con cháu người Khơ Mú đã biết trồng lúa nước, trồng sắn, biết chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà", già Khằng chia sẻ.
Theo lời ông Khằng, chính sự thay đổi về nhận thức và phương thức sản xuất của người dân đã góp phần vào sự đổi thay của bản làng. Những ngày đầu triển khai các mô hình kinh tế mới, ông đã không ngại khó khăn, ngày ngày sát cánh cùng Ban Chi ủy khu phố, đến từng nhà vận động bà con thay đổi tập quán cũ. Ông đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người dân, kiên trì giảng giải về lợi ích của việc chăn nuôi, trồng trọt theo kỹ thuật mới. Ông Khằng hiểu rằng, để bà con thay đổi tư duy, cần nhất là niềm tin và lòng kiên nhẫn của người đi vận động. "Có những ngày nắng cháy da, tôi cũng cùng bà con ra đồng chỉ bảo cách cấy lúa, cách chăm sóc cây trồng, chỉ mong sao bà con đừng lùi bước mà phải mạnh dạn tiến lên", ông bộc bạch.
Sự tận tâm của ông không chỉ giúp đồng bào từ bỏ được tập quán sản xuất lạc hậu, mà còn biết áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Giờ đây, nhiều hộ gia đình đã phát triển mô hình trồng rừng, trồng lúa cho năng suất cao, giúp đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong khu phố Đoàn Kết đã giảm đáng kể, trẻ em chăm chỉ đến trường, làng bản sạch đẹp hơn, đồng bào đã được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh.
Vận động người dân phát triển kinh tế
Cũng như ông Khằng, ông Trần Văn Hùng, Người có uy tín tại thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, cũng là tấm gương tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế. Dù đã ngoài 70 tuổi, ông Hùng vẫn nhiệt huyết trong các hoạt động cộng đồng. Ông được người dân bầu làm Người có uy tín từ năm 2012 đến nay và đã không ngừng nỗ lực trong việc vận động bà con phát triển kinh tế gia đình. "Những năm đầu khi vận động bà con nuôi trâu bò, có nhiều người không tin, vì họ nghĩ rằng chỉ trồng ngô, trồng lúa mới có lương thực để ăn", ông Hùng nhớ lại.
Với sự kiên trì, ông Hùng đã thuyết phục được bà con thử nghiệm mô hình chăn nuôi trâu bò và dần nhận thấy hiệu quả. Ông vận động các phụ huynh cho con em trong độ tuổi đến trường, giúp bà con hiểu rằng "đầu tư cho con cái học hành chính là đầu tư cho tương lai". Bên cạnh đó, ông còn làm tốt vai trò hòa giải các tranh chấp, xích mích trong thôn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.
Đặc biệt, ông còn chủ động giúp đỡ 6 hộ khó khăn trong thôn khai thác 12ha keo và 3ha cao su của gia đình mình, giúp mỗi hộ thu về khoảng 45 triệu đồng mỗi năm. "Đồng bào có ấm no, có an vui thì cộng đồng mới phát triển được", ông Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ là người dẫn đường cho bà con trong sản xuất, ông Hùng còn tích cực vận động người dân hiến đất, cây cối, vật liệu để mở rộng đường giao thông. Khi tôi hỏi về quá trình vận động, ông cho hay, gia đình ông đã gương mẫu hiến đất, cây trồng trước để người dân tin tưởng làm theo.
Bằng sự mẫu mực và tinh thần tiên phong, ông và gia đình còn tặng thôn bộ âm thanh phục vụ công tác tuyên truyền chính sách. Sự đồng lòng của người dân trong thôn Đức Thắng đã giúp hoàn thiện hơn 4km đường bê tông, hơn 4km đường điện chiếu sáng, góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vào sự nỗ lực của Người có uy tín và chính quyền địa phương, huyện Như Xuân đã đạt được những kết quả tích cực: Đến giữa năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của huyện còn 9,94%, giảm gần 7% so với năm 2021.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đánh giá, đội Ngũ Người có uy tín của tỉnh luôn là lực lượng tiên phong, tạo ra nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Người có uy tín không chỉ đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân mà còn là người truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến cấp trên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.