Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 11:19, 15/10/2024

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại khu vực miền núi luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc Thanh Hóa đã tổ chức các Hội nghị phổ biến kiến thức cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc Thanh Hóa đã tổ chức các Hội nghị phổ biến kiến thức cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Trong 02 năm 2022 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật, thu hút 4.600 đại biểu từ các thôn, bản khó khăn của các huyện miền núi tham gia. Riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 16 kế hoạch tuyên truyền pháp luật, đảm bảo hiệu quả và độ phủ rộng đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp đồng bào DTTS nhận thức sâu sắc hơn về pháp luật và các chính sách dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại khu vực này.

Các nội dung tuyên truyền bao gồm: Chương trình 1719, các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản quan trọng khác. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh còn lồng ghép các nội dung thời sự liên quan đến tình hình an ninh - quốc phòng, vấn đề biên giới đất liền và biển đảo nhằm củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường đối ngoại nhân dân tại khu vực biên giới.

Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai Nội dung 02, Tiểu dự án 01, Dự án 10: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt Chương trình 1719). 

Theo đó, đã Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 02 hội nghị tuyên truyền PBGDPL tại 17 xã của huyện Bá Thước thu hút hơn 300 đại biểu từ các thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia. Mỗi thôn, bản đều có đại diện trưởng bản, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín và các tổ chức đoàn thể như: Chi đoàn thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân tham gia hội nghị. Trong tháng 11/2024, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cũng sẽ tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh tại trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc

Hội thi tập trung vào các văn bản luật thiết yếu như Luật Căn cước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Những kiến thức này, sẽ giúp học sinh hiểu và chấp hành tốt pháp luật, trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội.

Qua tuyên truyền, người dân đã nâng cao ý thức pháp luật tự nguyện đến giao nộp súng cho Công an xã Thiết Ống (Bá Thước)
Qua tuyên truyền, người dân đã nâng cao ý thức pháp luật tự nguyện đến giao nộp súng cho Công an xã Thiết Ống (Bá Thước)

Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân

Sau thời gian triển khai, công tác PBGDPL tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tich cực. Các hành vi vi phạm pháp luật giảm đáng kể, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, an ninh trật tự tại các địa phương ổn định, không phát sinh "điểm nóng". Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Hà Văn Thành, Người có uy tín thôn Trình, xã Lũng Cao, cho biết: “Thông qua hội nghị, tôi đã hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như các quy định của pháp luật. Với vai trò của mình ở thôn bản, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bà con tại địa phương, để họ tuân thủ sống và làm việc theo pháp luật, từ đó cùng nhau xây dựng một cộng đồng lành mạnh, phát triển bền vững”.

Đồng bào DTTS ở Thanh Hóa được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật
Đồng bào DTTS ở Thanh Hóa được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật

Theo ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng được Trung ương và Tỉnh quan tâm chỉ đạo; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc được nâng lên; các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc; đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn miền núi giảm từ 15,19% cuối năm 2022 xuống còn 11,04% vào cuối năm 2023.

Thông qua công tác tuyên truyền PBGDPL người dân hiểu rõ các nội dung cơ bản của pháp luật. Nội dung tuyên truyền được chuyển tải theo nhiều hình thức dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, vùng miền để người dân dễ tiếp cận. Qua đó đưa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục